Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang 2023, ngày 7/3. (Nguồn: Reuters) |
Mở đầu Thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden dành thời gian ca ngợi một số lãnh đạo Đảng Dân chủ như “Chủ tịch Thượng viện lâu năm nhất trong lịch sử” Mitch McConnell, chúc mừng thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer thêm một nhiệm kỳ và tuyên bố bà Nancy Pelosi là “Chủ tịch Hạ viện vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước này”.
Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Câu chuyện của nước Mỹ là câu chuyện của tiến bước và bền bỉ. Luôn tiến về phía trước; không bao giờ từ bỏ; một câu chuyện độc đáo trong tất cả các quốc gia”.
Trong bài phát biểu, ông Biden dẫn dắt các vấn đề bằng việc nêu lên những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, đưa ra những lời kêu gọi với thông điệp hàn gắn, đoàn kết, nhấn mạnh vấn đề dân chủ cho nước Mỹ để khôi phục hình ảnh một cường quốc toàn cầu, “ngọn hải đăng” cho nhân loại.
Kinh tế - niềm tự hào
Tổng thống Biden đi vào trọng tâm bài phát biểu với trước hết là những thành quả kinh tế đã đạt được trong 2 năm qua, khẳng định chính quyền Mỹ đã giúp tạo ra số việc làm kỷ lục là 12 triệu, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào của nước Mỹ làm được trong thời gian 2 năm.
Ông Biden nhấn mạnh hơn tới những thành quả nước Mỹ có được từ sự đoàn kết lưỡng Đảng, từ việc cùng xây dựng lập trường để bảo vệ một châu Âu mạnh mẽ và an toàn hơn, cùng nhau thúc đẩy luật cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình kết nối đất nước và người dân, cùng thông qua các điều luật quan trọng.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh từ khi nhậm chức, ông đã vinh dự được ký tới 300 đạo luật lưỡng đảng. Trong khi điểm lại các thành quả về kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ông Biden đều dành những từ ngữ hoặc cách biểu đạt nhất định để thể hiện sự trân trọng đối với sự hợp tác giữa hai đảng.
Ông Biden khẳng định, ông tranh cử vì muốn đem đến những thay đổi căn bản, “để đảm bảo nền kinh tế vận hành cho tất cả, để tất cả chúng ta tự hào về những gì đã làm”.
Đối với ông, mục tiêu là xây dựng nền kinh tế từ dưới lên, từ trong ra ngoài, chứ không phải từ trên xuống, bởi “khi tầng lớp trung lưu tốt, những người nghèo có chỗ để vươn lên và người giàu tiếp tục có nền tảng. Tất cả chúng ta cùng làm tốt”.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng nhắc đến các nỗ lực của nước Mỹ để giành lại vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhấn mạnh “đó là lý do vì sao chúng ta đã cùng nhau thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học lưỡng đảng. Chúng ta đang đảm bảo rằng, chuỗi cung ứng cho nước Mỹ bắt đầu ở nước Mỹ”.
Thừa nhận lạm phát vẫn là vấn đề toàn cầu do dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Biden khẳng định nước Mỹ đã làm tốt hơn so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và bằng chứng là tỷ lệ lạm phát đang giảm dần.
Cơ sở hạ tầng cũng là một trong các lĩnh vực được ông Biden nhấn mạnh với 20.000 dự án được đầu tư, gồm các sân bay, cầu cảng, đường sá… tạo ra việc làm cho hàng nghìn người và kết nối các cộng đồng.
Một tuyên bố quan trọng trong các phát biểu này là các tiêu chuẩn mới về sử dụng vật liệu xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng cấp liên bang, theo đó quy định các mặt hàng phải được sản xuất tại Mỹ.
Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Gỗ, kính, vách thạch cao, cáp quang do Mỹ sản xuất. Và dưới thời của tôi, những con đường của Mỹ, những cây cầu của Mỹ và những xa lộ của Mỹ sẽ được xây dựng hoàn toàn bằng các sản phẩm của Mỹ. Kế hoạch kinh tế của tôi là đầu tư vào những nơi và những người bị lãng quên. Giữa những xáo trộn kinh tế trong bốn thập kỷ qua, quá nhiều người đã bị bỏ lại phía sau hoặc bị đối xử như thể vô hình… Đó là lý do tại sao chúng ta xây dựng một nền kinh tế để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Những đạo luật đi vào cuộc sống
Đạo luật Giảm lạm phát mà ông Biden ký hồi năm ngoái là một bước đột phá khi đưa ra khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho các lĩnh vực khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe. ông Biden đã nhấn mạnh thành tựu này trong Thông điệp liên bang 2023, đồng thời khẳng định ông sẽ kiên quyết phản đối mọi nỗ lực thu hồi đạo luật.
Tổng thống Biden cũng dành nhiều thời lượng của bài phát biểu để phân tích và bảo vệ những đạo luật mà Đảng Dân chủ ủng hộ, như các nội dung về an sinh xã hội, Medicare…
Quan tâm đến vấn đề giáo dục, ông Biden tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực giảm học phí cho sinh viên, tăng lương cho giáo viên, trợ cấp các gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, xây dựng các chương trình đào tạo cao đẳng cộng đồng 2 năm, với mục tiêu “tạo cho mọi người Mỹ con đường tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn dù họ có học cao đẳng trở lên hay không”.
Về an ninh xã hội, Tổng thống Biden kêu gọi tăng cường lực lượng chấp pháp để ngăn chặn các tệ nạn lừa đảo, giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất kích thích ngày càng tăng; đầu tư mạnh hơn để giảm các tội phạm bạo lực và bạo lực súng đạn; khích lệ nhiều chương trình can thiệp cộng đồng hơn; đầu tư nhiều hơn vào nhà ở, giáo dục và đào tạo việc làm. Đây là những giải pháp căn cơ mà ông Biden cho là có thể giúp ngăn chặn bạo lực ngay từ gốc rễ.
Vấn đề nhập cư là một điểm nóng trong các chương trình nghị sự của nước Mỹ. Tổng thống Biden khẳng định, từ khi chính sách biên giới mới có hiệu lực hồi tháng trước, “tỷ lệ di cư bất hợp pháp từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela đã giảm 97%”, song thừa nhận “các vấn đề biên giới của Mỹ sẽ không được khắc phục cho đến khi Quốc hội hành động. Nếu Quốc hội không thông qua cải cách nhập cư toàn diện, ít nhất hãy thông qua kế hoạch cung cấp thiết bị và nhân lực để bảo vệ biên giới, cũng như đảm bảo một con đường trở thành công dân cho những người mang ‘giấc mơ’ (Mỹ)…”.
Thông điệp mạnh tới Trung Quốc
Bắt đầu những nội dung về thông điệp đối ngoại, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: “Sức mạnh của chúng ta không chỉ nằm ở tiềm lực ta có, mà còn được thể hiện qua những gì chúng ta xử lý”.
Tổng thống Biden cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là “phép thử cho nước Mỹ. Phép thử cho thế giới”.
Ông Biden tự hào rằng, chính quyền của mình đã làm những gì mà nước Mỹ luôn làm tốt nhất, là “lãnh đạo, thống nhất NATO và xây dựng một liên minh toàn cầu… (để) đứng về phía người dân Ukraine”.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden cho biết, ông đã nói rõ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình rằng, nước Mỹ “tìm kiếm cạnh tranh chứ không phải xung đột”.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Chúng ta đang ở vị thế mạnh nhất trong nhiều thập kỷ để cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tôi cam kết hợp tác với Trung Quốc để họ có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ và mang lại lợi ích cho thế giới… Nhưng đừng nhầm lẫn: Như đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền, nước Mỹ sẽ hành động”.
Cơ hội ghi điểm
Tổng thống Joe Biden đã trình bày Thông điệp liên bang 2023 trong 1 giờ 13 phút, dài hơn năm ngoái (1 giờ 2 phút). Trong lịch sử nước Mỹ, Thông điệp liên bang dài nhất là của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 với 1 giờ 29 phút, còn ngắn nhất là của Tổng thống Nixon năm 1972 với thời lượng chỉ có gần 29 phút.
Mặc dù vấp phải sự chỉ trích của đảng Cộng hòa nhưng rõ ràng, Thông điệp liên bang của Tổng thống Biden không chỉ là cơ hội để trình bày chương trình nghị sự mà còn nhằm thay đổi suy nghĩ của một số thành viên đảng Cộng hòa có quan điểm gần với Dân chủ.
Nhiều báo chí Mỹ và những người theo dõi đều cho rằng, Tổng thống Biden đã thể hiện được nội dung thông điệp một cách tương đối hoàn chỉnh, ngôn từ chính xác, thu hút được sự chú ý của người nghe cũng như Quốc hội.
Một vài nội dung trong thông điệp còn được các thành viên đảng Cộng hòa đứng dậy vỗ tay ủng hộ. Việc thể hiện thông điệp hoàn hảo và có điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng đối với với cá nhân ông Biden và đảng Dân chủ trong thời gian tới, giúp giảm bớt chỉ trích và lo ngại của dư luận Mỹ, cũng như nội bộ đảng Dân chủ về sức khỏe và năng lực lãnh đạo đất nước của Tổng thống đương nhiệm.
Ngoài ra, nội dung thông điệp và các hành động của Tổng thống Biden khi đọc, ví dụ như bắt tay, chúc mừng Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Kevin McCarthy... đã được cân nhắc kỹ càng, chú trọng đến tìm kiếm thống nhất nội bộ, không gây thêm chia rẽ, thể hiện quan điểm sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng hòa trong các chương trình nghị sự sắp tới.
Bản lĩnh và sự tự tin
CNN cho rằng, trong năm thứ ba liên tiếp, ông Biden lập kỷ lục là Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất đọc diễn văn trước một phiên họp chung của Quốc hội.
Khi Tổng thống Biden chuẩn bị thông báo tiếp tục tranh cử để có thể tiếp tục cương vị đến khi ông 86 tuổi, điều quan trọng là ông phải thể hiện là người có thể tiếp tục đảm đương công việc.
Cuối tuần qua tại Trại David, các trợ lý đã bố trí bục, micrô, đèn chiếu sáng và máy nhắc chữ trong phòng họp để ông Biden thực hành bài phát biểu của mình. Tại Nhà Trắng, một sự chuẩn bị tương tự đã được áp dụng trong Phòng Bản đồ để thực hành.
Các trợ lý của ông Biden không chỉ tập trung vào thông điệp mà còn cả ngôn ngữ, đảm bảo bài phát biểu có sức thuyết trình mạnh mẽ nhất.