Trong thực tế hiện nay, tất cả các nước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau đều là quan hệ ngoại giao ở hàng Đại sứ và đương nhiên khi thiết lập Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú là Đại sứ quán. Tuy nhiên, cũng có những nước tổ chức hệ thống cơ quan nhà nước và các Cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở nước ngoài không hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc ngoại giao truyền thống như đối với trường hợp của Libya.
Ở Libya, kể từ tháng 1/1980, Bộ Ngoại giao được đổi thành Văn phòng Liên lạc Đối ngoại, các Đại sứ quán được đổi thành các Văn phòng Nhân dân ở nước ngoài, Đại sứ được đổi thành Thư ký Văn phòng Nhân dân. Thư ký UBND phụ trách văn phòng Liên lạc Đối ngoại của Libya đã giải thích cho Đoàn Ngoại giao ở Libya như sau: “Đây là một hình thức tổ chức về đối ngoại mà Libya đã lựa chọn để thể hiện nguyên tắc quyền làm chủ của nhân dân, mong rằng các nước anh em bạn bè không ai phản đối quyền lựa chọn đó. Các tổ chức này là những công cụ để thực hiện quan hệ đối ngoại và hợp tác hữu nghị giữa các nước. Yêu cầu các nước hãy chấp nhận và quan hệ hợp tác với nó cũng như chúng tôi công nhận và làm việc với các Đại sứ nước ngoài đóng tại Libya”.
Tại Libya, Thư ủy nhiệm của các Đại sứ nước ngoài ghi địa chỉ người nhận là Lãnh tụ cách mạng M. Kadafi, nhưng việc tiếp nhận Thư ủy nhiệm lại giao cho Thư ký Ủy ban Nhân dân phụ trách Văn phòng Liên lạc Đối ngoại (tức Bộ trưởng Ngoại giao). Thư ủy nhiệm các đại diện ngoại giao Libya ở nước ngoài, trước đây do Thư ký Ủy ban Nhân dân phụ trách văn phòng Liên lạc Đối ngoại ký (tức Bộ trưởng Ngoại giao), gần đây do Thư ký Ủy ban Nhân dân toàn quốc (tức Thủ tướng) ký và Thư ký Ủy ban Nhân dân phụ trách Văn phòng liên lạc Đối ngoại (tức Bộ trưởng Ngoại giao) tiếp ký, và đều gửi Nguyên thủ quốc gia các nước. Trường hợp Libya, Văn phòng Nhân dân Libya ở nước ngoài, một số nước không xếp vào hàng Đại sứ quán mà xếp vào hàng các Cơ quan đại diện khác. Việt Nam và một số nước công nhận tên gọi Văn phòng Nhân dân là Cơ quan đại diện ngoại giao cao nhất của Libya ở nước ngoài và xếp vào hàng Đại sứ quán và Thư ký Văn phòng Nhân dân vào hàng Đại sứ.
Trường hợp Phái đoàn Ủy ban châu Âu có khác, Trưởng Phái đoàn được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ Quốc gia hoặc bên cạnh Thủ tướng Chính phủ là tùy theo quyết định của từng nước tiếp nhận. Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu có thể có chức vụ Đại sứ nhưng về ngôi thứ thì không thể xếp trên các vị Đại sứ đại diện các quốc gia có chủ quyền. Trong danh sách đoàn ngoại giao, Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu được ghi trước các vị Trưởng Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, nhưng bao giờ cũng ghi sau các vị Đại sứ đại diện quốc gia, kể cả các Đại sứ trình Thư ủy nhiệm sau. Và dù có chức vụ đại sứ, người này cũng không bao giờ trở thành Trưởng đoàn Ngoại giao ngay cả khi Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu là người có thâm niên lâu nhất.