Cục diện chiến sự và chính trị an ninh ở Syria sẽ chịu tác động thế nào trong thời kỳ "hậu al-Baghadi"? . Biếm họa của Blower, trên The Telegraph. |
Nga vẫn còn hoài nghi và thế giới bên ngoài nghe thì biết thế chứ còn tổng thống Mỹ Donald Trump lại rất chắc chắn là thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghadi đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt. Đúng hơn là al-Baghadi đã tự sát chứ không bị bắn chết như thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada là Osama bin Laden, cụ thể là tự nổ tung chứ không để cho quân đội Mỹ lấy được thi thể để xác minh nhân thân.
Al-Qeada xưa và IS ngày nay
Việc tiêu diệt được nhân vật chóp bu này của IS giúp ông Trump "gỡ hoà" với người tiền nhiệm vì chính quyền của ông Barack Obama đã tiêu diệt được Osama bin Laden. Nhưng chỉ cần so sánh bức ảnh ông Obama và ông Trump theo dõi chiến dịch truy sát của quân đội Mỹ khi xưa và vừa qua lại thấy được rất rõ sự khác biệt: Ông Obama không thể hiện coi việc tiêu diệt Osama bin Laden là thành quả của riêng mình như ông Trump với việc tiêu diệt thủ lĩnh IS.
Khi xưa, ông Obama không cấp thiết cần đến tác động trên mọi phương diện của việc tiêu diệt được Osama bin Laden như hiện tại ông Trump cần con bài hoá việc tiêu diệt al-Baghadi. Do sự chững lại và cả bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, do bối rối và luẩn quẩn trong xử lý quan hệ với Iran và trước nhu cầu bức bách phải triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan và Syria, ông Trump cần một kết quả như vậy để trang trải nhu cầu đối nội và giữ thế trong đối ngoại.
Ngoài ra cũng còn có thể thấy, phía Mỹ với chiến dịch truy sát này muốn khẳng định quyết tâm chống IS và sẵn sàng tiếp tục hành động quân sự ở Syria sau khi rút quân đội ra khỏi đất nước này, hàm ý nhắc nhở các đối tác ở trong cũng như ngoài Syria chớ nên quên phần của Mỹ trong mọi kịch bản dàn xếp tương lai chính trị an ninh cho Syria.
Cú đòn mang tính số phận
Tổ chức IS bị Mỹ giáng cho một cú đòn nặng nề mà rất có thể còn mang tính số phận. Trước đây cũng như hiện tại, Al-Qeada của Osama bin Laden chỉ là một mạng lưới khủng bố quốc tế và chĩa mục tiêu tấn công chính vào các nước Phương Tây với hình thức hoạt động chính là tấn công khủng bố. IS của al-Baghadi là một thực thể nhà nước có cơ cấu nhà nước quyền lực và lãnh thổ cũng như trên thực tế có cả quân đội gần như chính quy và nguồn tài chính dồi dào hơn hẳn Al-Qeada. Al-Qeada không cực đoan hoá ý thức hệ và tôn giáo như IS, không theo đuổi mục tiêu thống lĩnh và thống trị thế giới Hồi giáo như IS, không độc đoán hoá đạo Hồi như IS.
Bạn có thể quan tâm: |
Vì thế, vai trò và ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của cá nhân Osama bin Laden đối với sự tồn vong của Al-Qeada không thể bằng al-Baghadi đối với IS. IS có thể nhanh chóng và dễ dàng tìm được và cử được người lãnh đạo IS nhưng lại không thể dễ dàng và nhanh chóng tìm được người thay thế được như al-Baghadi cho IS. Quá trình suy sụp và tan rã của IS sẽ nhanh thêm bởi những thành viên và phiến binh của IS bị mất đi chỗ dựa và niềm tin về tinh thần cũng như cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ IS sẽ trở nên quyết liệt hơn.
Giống như Al-Qeada từ sau khi bị đánh bật ra khỏi Afghanistan, IS sau khi bị mất lãnh thổ kiểm soát và trước nguy cơ bị đập tan đã phải điều chỉnh lại định hướng chiến lược và thay đổi phương thức hoạt động. Với ước tính hơn chục ngàn chiến binh hiện vẫn trung thành, IS không còn có thể xoay chuyển được cục diện chiến sự và tình hình chính trị an ninh ở Syria và Iraq, không còn là địch thủ quân sự của bất kỳ phe phái vũ trang nào nữa ở Iraq và Syria.
Không được sao nhãng!
Nhưng, không còn lãnh thổ và hệ thống quyền lực nhà nước, không còn thủ lĩnh al-Baghadi và quân đội chính quy, IS vẫn là mối đe doạ an ninh lớn đối với thế giới, đặc biệt đối với Mỹ và các nước thành viên EU và Nato. Phiến binh của IS rồi đây sẽ tán mát và xâm nhập vào mọi vùng trên thế giới để tiến hành những hành động bạo lực và khủng bố cũng như sẽ vẫn tiếp tục bám trụ hoạt động ở Iraq và Syria mà đối phó và tiêu diệt những phần tử này còn khó khăn phức tạp và mất nhiều thời gian hơn nhiều so với việc tiêu diệt IS và một nhân vật cụ thể của IS.
Một hệ luỵ khác nữa sẽ là chiến binh tàn dư của IS sẽ tìm cách co cụm và tổ chức lại ở phạm vi nhỏ hơn ở nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ có ở vùng Vịnh trên nền tảng ý thức hệ và mục tiêu theo đuổi không thay đổi. Cho nên al-Baghadi có thể đã bị tiêu diệt và IS có thể đã bị sụp đổ ở Iraq và Syria nhưng IS không vì thế mà hiện có thể bị coi là đã chết.
Cho nên, thế giới vẫn không được sao nhãng việc chống khủng bố quốc tế nói chung và IS nói riêng. Mỹ và Phương Tây lại còn càng phải hơn thế nữa.