Các nhà khoa học Nhật Bản đang phát triển loại máu nhân tạo đặc biệt. (Nguồn: IFL Science) |
Theo thông tin được tiết lộ, hiện tại loại máu nhân tạo mới được thử nghiệm trên 10 con thỏ. Tuy nhiên, nếu nó được chuyển sang thử nghiệm trên người, đây có thể là một bước đột phá rất thú vị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 117,4 tỷ đơn vị máu hiến tặng thu thập trên toàn cầu mỗi năm chưa bao giờ đủ với nhu cầu thực tế.
Trước nhu cầu bức thiết, thiếu máu phục vụ cho mục đích y tế, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát triển máu nhân tạo có thể thực hiện các chức năng như máu thật, với vai trò chủ yếu là lưu trữ và vận chuyển oxy, nếu cơ thể bị mất máu nghiêm trọng trong khi phẫu thuật hoặc sau chấn thương.
Các nhà nghiên cứu đã truyền máu thay thế vào 10 con thỏ đã bị xuất huyết do chấn thương gan. 6 con trong số đó vẫn sống sót và không con thỏ nào gặp các vấn đề bất lợi nghiêm trọng.
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chắc chắn về việc liệu sản phẩm này có khả năng dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác hay không, vì vấn đề an toàn lâu dài của loại máu này chưa được kiểm nghiệm. Do đó, những phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản hiện chưa thể khẳng định có phù hợp với con người hay không.
Tuy nhiên, trước mắt, nghiên cứu này vẫn có thể là một bước đệm quan trọng để các nhà khoa học đi tìm chất thay thế máu thông thường. Loại bỏ điều kiện về người hiến tặng, máu nhân tạo có thể khiến việc truyền máu cho các bệnh nhân dễ dàng hơn.
Thật khó để dự trữ một kho máu đủ lớn với nhu cầu, nhưng máu nhân tạo sẽ có thể giải quyết được vấn đề này, tác giả nghiên cứu Manabu Kinoshita, Phó Giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Y khoa Quốc phòng Nhật Bản cho biết.