Phát huy bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam" ở môi trường đa phương là rất phù hợp. Tại sao lại nói như vậy? Cùng Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) trả lời cho câu hỏi đó để thấy rõ một Việt Nam với sự chân thành và tinh thần trách nhiệm đã cùng cộng đồng quốc tế “kể những câu chuyện đẹp” về khát vọng hòa bình của nhân loại giữa muôn trùng gian nan! |
Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, coi trọng và đề cao hợp tác đa phương, nỗ lực thúc đẩy vì hạnh phúc của nhân loại. Đại sứ đánh giá như thế nào về giá trị của LHQ cũng như tính nhân văn của tổ chức lớn nhất hành tinh này? LHQ là một tổ chức lớn nhất hành tinh, có sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới, cho thấy vai trò của LHQ rất quan trọng. Giá trị của LHQ trong suốt chiều dài lịch sử, từ năm 1945 đến nay đã được chứng minh qua thực tế bằng những giải pháp và hành động cụ thể trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở các khu vực và trên thế giới, chống chiến tranh cũng như thúc đẩy các mục tiêu phát triển hay bảo vệ quyền con người… Những giá trị này đều thực chất lấy mục tiêu đặt con người vào vị trí trung tâm. Do đó, giá trị nhân văn của LHQ rất cao cả, giúp ngăn ngừa các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh, đem lại sự phồn vinh, ổn định, cuộc sống ấm no cho tất cả mọi người trên thế giới.
Có thể thấy trong một vài năm qua, chủ nghĩa đa phương cũng như LHQ gặp rất nhiều thách thức. Mặc dù vậy, những thách thức này không làm suy giảm niềm tin và kỳ vọng của đồng quốc tế về hợp tác đa phương và vai trò của LHQ. LHQ vẫn đóng vai trò trung tâm trong quá trình hợp tác toàn cầu, thúc đẩy các giải pháp mang tính toàn cầu để xử lý những vấn đề chung của nhân loại liên quan đến dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu hay ngăn ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình để tất cả các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế được hưởng thụ cuộc sống yên bình, ấm no, không phải lo nghĩ về chiến tranh hay nghèo đói. Chúng tôi nhận thấy mục tiêu cao cả này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến nay. Chính sách của Việt Nam trong việc tham gia vào LHQ và triển khai đối ngoại đa phương vẫn sẽ là: Thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của đồng quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế và triển khai hội nhập toàn diện. Với chính sách này, có thể thấy đối ngoại đa phương của Việt Nam vô cùng quan trọng. Mặc dù tình hình hiện nay có nhiều thách thức liên quan đến chủ nghĩa cường quyền, các biện pháp đơn phương áp đặt không tạo thuận lợi cho việc cho chủ nghĩa đa phương và hợp tác đa phương nhưng chúng ta không suy giảm lòng tin vào vai trò của hợp tác đa phương và vai trò của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự tham gia của Việt Nam cho đến nay vẫn là tiếp tục duy trì, thúc đẩy vai trò của LHQ, qua đó duy trì và củng cố lòng tin, tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế để chung tay cùng giải quyết tất cả các vấn đề đang đặt ra đối với nhân loại. Việt Nam là thành viên tích cực của LHQ và cộng đồng quốc tế thì cũng có trách nhiệm thúc đẩy các mục tiêu, hướng đi đó. |
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ từng nói: “Song phương là chuyện của hai người nhưng đa phương là chuyện của nhiều người”. “Bí kíp” của Việt Nam trong “câu chuyện nhiều người” đó là gì, thưa Đại sứ? Đối với triển khai đối ngoại nói chung, không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các nước, là quan hệ giữa người với người. Do vậy, sự chân thành, hiểu biết, trân trọng lẫn nhau hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại. Đối ngoại song phương đã khó khi phải tìm hiểu lối sống, phong tục tập quán, bối cảnh lịch sử của đối tác; đối ngoại đa phương còn khó hơn bởi chúng ta cần phải tìm hiểu nét đặc trưng của tất cả 193 đối tác ở các khu vực khác nhau. Chúng ta cần hiểu các đối tác nghĩ gì, cần gì, quan tâm đến vấn đề gì để có thể tìm điểm đồng dù là nhỏ nhất để có thể hợp tác. Chắc chắn trong lợi ích của mỗi nước đều có những điểm chung, vấn đề chung. Đơn cử như việc làm sao để gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tất cả các quốc gia đến nay đều đồng thuận phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Chính vì vậy, sự chia sẻ, chân thành rất quan trọng. Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều rất coi trọng ngoại giao tâm công. Qua ngoại giao tâm công chúng ta mới có thể thúc đẩy, xây dựng, củng cố lòng tin, đồng thuận và đoàn kết. Với sự chân thành đó, hình ảnh Việt Nam ở LHQ là…? Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam thời gian qua đã có bước tiến dài, chúng ta ngày càng tự tin hơn, chủ động hơn trong triển khai công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng. Điều đó không tự nhiên mà có, là một quá trình tích lũy trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Từ những năm 1945, khi vừa thành lập nước, chúng ta đã mong muốn trở thành thành viên của LHQ. Các cuộc đàm phán đa phương lớn trong quá trình giành độc lập, thống nhất đất nước đã giúp chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học từ các thế hệ lão thành, tiền bối đi trước. Từ những bước đầu tiên tham gia vào khu vực và toàn cầu, cho đến nay, chúng ta đã thực sự trở thành một thành viên chủ động, một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, của LHQ.
Việt Nam từ một nước nhận viện trợ của LHQ để tái thiết đất nước sau khi giành được độc lập, đến nay Việt Nam đã đóng góp trở lại cho LHQ trên rất nhiều vấn đề như xây dựng các khuôn khổ luật pháp quốc tế lớn, tham gia vào các cơ chế quan trọng của LHQ như: HĐBA LHQ, các vị trí lãnh đạo của Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Nhân quyền. Gần đây nhất, chúng ta đã là thành viên của hầu hết các cơ chế của UNESCO. Đó là những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng. Trên thực địa, chúng ta còn cử lực lượng gìn giữ hòa bình để đảm bảo hòa bình, ổn định cho các khu vực trên thế giới, nhất là châu Phi. Đây là những đóng góp hết sức thiết thực của Việt Nam. Thêm nữa, việc chúng ta triển khai những nhiệm vụ, mục tiêu của LHQ tại Việt Nam cũng là nỗ lực đóng góp cho công việc chung của LHQ. Có thể khẳng định rằng cho đến nay chúng ta hoàn toàn tự tin khi triển khai công tác đối ngoại đa phương nói chung cũng như triển khai các nhiệm vụ tại LHQ nói riêng. |
Thời gian qua, một nhận định đã trở nên quen thuộc rằng “tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ…”. Theo Đại sứ, tại LHQ, nơi “đầu sóng, ngọn gió” của đối ngoại, chúng ta đứng trước những thử thách như thế nào? Đúng như vậy, môi trường quốc tế hiện nay không có lợi cho hợp tác đa phương, tạo ra nhiều thách thức do các hành động đơn phương và các vấn đề toàn cầu lớn, chưa đạt được giải pháp như vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển… Câu hỏi đặt ra là liệu hợp tác đa phương có còn hiệu quả hay không và có còn cần thiết không? Với tư cách là một quốc gia đang hội nhập toàn diện, Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức khi triển khai đối ngoại đa phương trong bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, trong trao đổi của tôi với các đại sứ tại LHQ, đáng mừng là hầu hết các Đại sứ đều vẫn rất coi trọng hợp tác đa phương, LHQ và kỳ vọng LHQ sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở quy mô toàn cầu. Chúng ta cũng sẽ có trách nhiệm phải đóng góp vào kỳ vọng chung như vậy. Trước những thách thức đang đặt ra, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa cùng các nước đồng quan điểm, các nước trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy việc củng cố xây dựng lòng tin, đoàn kết, đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề chung, kêu gọi đối thoại và hợp tác để giải quyết các khác biệt thay vì dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam cũng kỳ vọng các nước chung tay thực hiện nguyện vọng chung bằng những lập trường, cam kết cụ thể, tôn trọng các cam kết đưa ra, thực sự trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau để thúc đẩy hợp tác đa phương. Trong bối cảnh đó, triết lý Ngoại giao cây tre Việt Nam đã được vận dụng ra sao và “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” được cắt nghĩa thế nào? Triển khai Ngoại giao cây tre Việt Nam ở môi trường đa phương là rất phù hợp. Tại sao lại nói như vậy? Thứ nhất, khi triển khai đối ngoại đa phương chúng ta phải lấy kim chỉ nam trên cơ sở lập trường, quan điểm, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Nền tảng cho chủ trương, chính sách đó là chúng ta luôn đề cao, coi trọng giá trị của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế - đây chính là cái “gốc vững” để chúng ta bám vào nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ hai “thân chắc” chính là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không nghiêng về bên nào, không chọn bên, độc lập trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế để đưa ra lập trường trên các vấn đề cụ thể. Thứ ba “cành uyển chuyển” là cách triển khai công tác đối ngoại tại diễn đàn đa phương làm sao để tăng cường sự trao đổi, chia sẻ để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau thay vì vị kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. Chúng ta không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế. Như vậy, đường lối, phương châm Ngoại giao cây tre Việt Nam rất phù hợp với môi trường đối ngoại đa phương, tạo cơ sở thuận lợi để Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng như các Phái đoàn của Việt Nam tại các tổ chức đa phương triển khai công việc của mình trong thời gian tới, phát huy hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều đáng mừng là kể từ khi chúng ta triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021), chúng ta đã ứng cử thành công vào nhiều cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban luật pháp quốc tế, các cơ quan của UNESCO… Bên cạnh đó, Lực lượng gìn giữ hòa bình được tăng cường và mở rộng, không chỉ có sự tham gia của lực lượng Quân đội nhân dân mà còn cả lực lượng Công an nhân dân. Tổng hòa chung có thể thấy rõ các “lực lượng” đối ngoại Việt Nam đang rất tích cực tham gia triển khai công tác đối ngoại đa phương không chỉ với các mục tiêu vì hoà bình an ninh mà ở các vấn đề phát triển để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. |
Nhìn lại hành trình của ngoại giao đa phương trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với thế và lực sẵn có, theo Đại sứ, mục tiêu lớn nhất của ngoại giao đa phương trong những chặng đường tiếp theo là? Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công tác ngoại giao đa phương thời gian qua cùng một vị thế mới đã tạo cho chúng tôi niềm tin để có thể nâng tầm hơn nữa công tác đối ngoại đa phương trong thời gian tới. Sự nâng tầm này thể hiện ở việc chúng ta phải tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và toàn cầu, từ đó đưa ra nhiều giải pháp để cùng các nước xử lý những thách thức hiện nay, những cam kết mạnh mẽ hơn như trong vấn đề biến đổi khí hậu với cam kết vô cùng lớn và mạnh mẽ tại COP 26 vừa qua. Bên cạnh đó, chúng ta cần tham gia sâu vào quá trình hoạch định chính sách toàn cầu, như xây dựng các công ước, thỏa thuận mới. Thời gian qua, chúng ta đã tham gia rất sâu vào việc đàm phán công ước về các vùng biển ngoài vùng tài phán quốc gia, các công ước lớn về an ninh mạng, tội phạm mạng… thời gian tới là các công ước về trí tuệ nhân tạo và rất nhiều vấn đề khác mà Việt Nam có kinh nghiệm để chia sẻ với các nước; qua đó góp phần xây dựng, định hình khuôn khổ chính sách lớn của tổ chức đa phương, đem lại lợi ích cho chính chúng ta và cộng đồng quốc tế. Là người trực tiếp làm công tác đối ngoại đa phương ở “thực địa”, cảm xúc của Đại sứ trước những trái ngọt của Việt Nam và điều gì giúp Đại sứ an tâm để hoàn thành sứ mệnh của mình? Là người gắn bó với công tác đối ngoại đa phương trong thời gian dài, được chứng kiến sự trưởng thành, thành công của công tác ngoại giao đa phương trong thời gian qua, cảm xúc đầu tiên của chúng tôi là sự tự hào. Tôi cùng đồng nghiệp cũng may mắn được đóng góp một phần rất nhỏ bé vào hành trình đó.
Trên cơ sở những thành tựu có được, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào khả năng nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua các hoạt động ngoại giao đa phương; tự tin vào sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam đã hoàn thành chủ trương, đường lối “là bạn” với các nước trên thế giới khi tất cả các nước đều có quan hệ ngoại giao. Hiếm có một quốc gia nào có được điều đó. Một quốc gia đã từng trải qua nhiều sóng gió, chiến tranh nhưng đã thành công trong quá trình tái thiết và phát triển. Việt Nam có một vị thế tốt để chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và phát triển. Chúng tôi hoàn toàn tự tin Việt Nam có thể phát huy hơn nữa thành quả của mình để có được vị thế cao hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.
Thực hiện: Phạm Hằng | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: TTXVN, VGP, baoquocte.vn… |