📞

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Đưa Việt Nam đến gần với Halal và ngược lại

Thu Trang 17:48 | 10/08/2021
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam trong thời gian tới để không "lỡ nhịp" trong thị trường tiềm năng này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên lề Tọa đàm về “Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam” theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp diễn ra ngày 10/8 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã trả lời phỏng vấn TG&VN về tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu và những giải pháp nhằm thúc đẩy xây dựng ngành Halal tại Việt Nam.

Thưa Thứ trưởng, thị trường Halal toàn cầu hiện nay được đánh giá là rất tiềm năng. Vậy Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế Halal toàn cầu?

Thị trường sản phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn, đang phát triển nhanh với triển vọng đầy hứa hẹn bởi dân số Hồi giáo ngày càng gia tăng và mở rộng trên phạm vi toàn cầu từ Đông Nam Á, Nam Á đến Trung Đông, Bắc Phi…

Bên cạnh đó, xu hướng chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal cũng ngày tăng, thậm chí ở cả những người không theo đạo Hồi do các sản phẩm Halal đáp ứng tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Halal theo ngôn ngữ Arab có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm.

Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo.

Nền kinh tế Halal rất đa dạng và gồm nhiều lĩnh vực, trong có có 7 lĩnh vực chính là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, thời trang, tài chính Hồi giáo và truyền thông, giải trí. Trong đó thực phẩm, tài chính Hồi giáo là 2 lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, được dự báo phục hồi và tăng trưởng cao sau đại dịch.

Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như nguyên liệu, dịch vụ hậu cần (bảo quản, đóng gói, chuyên chở…). Do đó, phát triển ngành thực phẩm Halal, hay lớn hơn là ngành công nghiệp Halal sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi theo.

Qua khảo sát, nhiều nước Hồi giáo chi tiêu mạnh cho các sản phẩm/dịch vụ Halal là thị trường hợp tác truyền thống của Việt Nam (Indonesia, Malaysia, UAE, Saudi Arabia, Bangladesh…).

Hơn nữa, phần lớn các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm Halal đến từ các nước phi Hồi giáo. Điều này cho thấy Việt Nam với thế mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản… có nhiều cơ hội để tham gia vào thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng này.

Tại Đông Nam Á, ngoài những nền kinh tế Hồi giáo đầu tàu như Malaysia và Indonesia thì Singapore, Thái Lan hay Philippines cũng đạt nhiều thành tựu trong phát triển các trụ cột kinh tế Halal.

Tọa đàm về “Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Có thể thấy, đến nay, Việt Nam đang có vị trí hết sức khiêm tốn trên bản đồ thị trường Halal toàn cầu. Doanh nghiệp ta mới bước đầu tiếp cận, tìm cách khai mở thị trường thực phẩm Halal và sản phẩm của ta chủ yếu dưới dạng thô và sơ chế.

Các sản phẩm Halal của ta chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam sang các thị trường Hồi giáo/đông người Hồi giáo.

Thống kê sơ bộ từ các địa phương, hiện khoảng 58,7% các tỉnh, thành đã bước đầu xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu trong khi gần 41,3% các địa phương của ta chưa có sản phẩm có chứng nhận Halal.

Một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm thị trường Halal và số lượng doanh nghiệp ta đạt chứng nhận Halal có xu hướng tăng, dù về tổng thể còn rất khiêm tốn.

Ngoài thực phẩm, Việt Nam hầu như chưa khai thác các lĩnh vực khác của nền kinh tế Halal như thời trang, du lịch hay dược, mỹ phẩm.

Vậy xin Thứ trưởng cho biết những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Halal toàn cầu?

Việt Nam có nhiều lợi thế song cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng và sản xuất thực phẩm Halal toàn cầu.

Phải khẳng định rằng, với nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp mũi nhọn, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trên con đường đến với thị trường Halal toàn cầu.

Trước hết, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với cơ cấu xuất khẩu mang tính bổ sung vào thị trường sản phẩm Halal toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển năng động, là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực (Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP...).

Không những thế, Việt Nam nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn tại Đông Nam Á, châu Á, lại có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo trên toàn thế giới và cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…

Đặc biệt, nhiều nước Hồi giáo chi tiêu mạnh cho các sản phẩm/dịch vụ Halal là thị trường hợp tác truyền thống của Việt Nam và có nhu cầu nhập khẩu cao một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu, chè, gạo, thủy, hải sản…

Đây là những cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp ta tiếp cận thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Liên minh châu Âu (EU), thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của ta, trong đó có các sản phẩm Halal.

Tuy nhiên, con đường đến với thị trường Halal không hoàn toàn “trải hoa hồng” mà cũng có những khó khăn, thách thức riêng.

Chứng nhận Halal là giấy chứng nhận sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người theo đạo Hồi có thể sử dụng được.

Chứng nhận Halal là bắt buộc khi nhập khẩu hàng hóa vào một số nước theo đạo Hồi.

Thứ nhất, Halal là khái niệm mới mẻ với nhiều địa phương và doanh nghiệp ta. Hiện nay các doanh nghiệp ta còn thiếu thông tin về thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, văn hóa kinh doanh...

Thứ hai, tiêu chuẩn và chứng nhận Halal rất đa dạng, chưa có tiêu chuẩn chung toàn cầu, với nhiều đòi hỏi khắt khe nên chi phí doanh nghiệp bỏ ra là tương đối lớn so với xuất khẩu sản phẩm thông thường.

Thứ ba, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về quản lý Nhà nước đối với sản phẩm Halal và hoạt động chứng nhận Halal. Ngoài ra, kinh phí dành cho ngành công nghiệp và các sản phẩm Halal còn hạn chế, chưa có xúc tiến thương mại riêng cho sản phẩm Halal.

Thứ tư, doanh nghiệp ta gặp phải cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp các nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng và đã quen với thị trường Halal như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan...

Thứ năm, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, làm thay đổi các thói quen tiêu dùng. Để thích ứng, nhiều nước đã điều chỉnh chuỗi sản xuất, cung ứng nói chung và sản phẩm Halal nói riêng.

Tựu trung, nếu không kịp thời nắm bắt những thay đổi và xu hướng của nền kinh tế Halal thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại chậm bước trong quá trình tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ Halal.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, nếu không kịp thời nắm bắt những thay đổi và xu hướng của nền kinh tế Halal thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại chậm bước trong quá trình tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ Halal. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy thương mại các sản phẩm Halal nói riêng và đưa ngành Halal nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thị trường?

Có thể khẳng định rằng, việc thúc đẩy sản phẩm Halal nói riêng và phát triển bền vững ngành Halal nói chung sẽ không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam cũng là nỗ lực để góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ về kiểm soát tốt dịch bệnh và phát triển kinh tế, đồng thời tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững của nước ta.

Với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hiệp hội để cùng thúc đẩy xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam trong thời gian tới, hay nói cách khác là đưa Việt Nam đến gần với Halal và ngược lại.

Một là, xây dựng Đề án tổng thể về thúc đẩy ngành Halal Việt Nam, trong đó xác định rõ các lĩnh vực tiềm năng và trọng tâm triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, trong đó tăng cường nội dung hợp tác về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Halal giữa Việt Nam với đối tác Hồi giáo lớn để tạo thuận lợi cho thương mại sản phẩm Halal của ta với các thị trường khu vực và thế giới.

Ba là, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương về công nhận lẫn nhau đối với các chứng chỉ Halal/ tổ chức cấp chứng nhận Halal hoặc hỗ trợ xây dựng các trung tâm cấp chứng chỉ Halal tiêu chuẩn quốc tế.

Bốn là, tích cực thông tin về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng, kinh doanh… tại các thị trường Halal khu vực và thế giới để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tham gia sâu vào các thị trường Halal.

Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (vốn, công nghệ, nhân lực…) để xây dựng các chi nhánh, cơ sở sản xuất sản phẩm Halal tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường Halal toàn cầu.

Năm là, nghiên cứu, lồng ghép để quảng bá và giới thiệu thực phẩm, ẩm thực Halal của Việt Nam vào các hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận và tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!