TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Mỹ - Triều có khả năng đạt thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên | |
Nhật Bản nêu điều kiện bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên |
Tại cuộc họp báo chung vào sáng ngày 8/6 (giờ Hà Nội) sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đều đã có những phát biểu tích cực về những gì đã thỏa thuận, tuy nhiên, có vẻ sự đảm bảo mà Tokyo nhận được vẫn thiếu chắc chắn, nếu không muốn nói là mong manh.
Cuộc gặp được thu xếp một cách vội vàng, ông Abe ghé qua Mỹ chỉ 2 giờ đồng hồ khi đang trên đường đến Canada dự hội nghị G7, cho thấy Thủ tướng Nhật Bản vẫn “ăn chưa ngon, ngủ chưa yên” về những vấn đề liên quan lợi ích kinh tế và an ninh của Tokyo mà ông từng đề cập với Tổng thống Mỹ trong cuộc thảo luận ngày 17/4 ở Mỹ.
Nội dung của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này không có gì mới so với cuộc gặp hồi tháng 4, song việc Thủ tướng Nhật Bản phải liên tục tới Mỹ gặp Tổng thống Trump trong chưa đầy hai tháng qua cho thấy, Tokyo đang bất an như thế nào và rất vất vả ứng phó với những chính sách thay đổi như “chong chóng” của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Tại Washington, Thủ tướng Abe đã tái khẳng định sự thống nhất với Tổng thống Trump trong việc duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, cho tới khi quốc gia Đông Bắc Á này từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa tầm ngắn vầ tầm trung có khả năng bắn tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, Tổng thống Abe cũng đề nghị Tổng thống Trump tác động tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Đáp lại, ông Trump cũng tái khẳng định sẽ hối thúc giải quyết vấn đề này trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore vào ngày 12/6 tới.
Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tất nhiên là mối lo ngại lớn đối với Nhật Bản. Có tin cho rằng nhiều khả năng ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nhất trí điều chỉnh chương trình hạt nhân và tên lửa đủ để giữ cho lãnh thổ Mỹ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, nhưng không động chạm đến các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng khẳng định, các cuộc đàm phán với Triều Tiên nhằm tìm cách "giải quyết mối đe dọa với Mỹ" - tách biệt rõ ràng lãnh thổ Mỹ với các đồng minh của Mỹ. Chính vì vậy, đến Washington trước cuộc gặp lịch sử tại Singapore, ông Abe muốn thuyết phục Tổng thống Trump đừng quên vấn đề an ninh của đồng minh số một tại châu Á, trong tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử với Triều Tiên - rằng Nhật Bản, nằm trong tầm bắn tên lửa thông thường nhất của Bình Nhưỡng.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực cũng là mối quan tâm lớn của Tokyo. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nằm trong số các nước có lượng binh sĩ Mỹ đồn trú đông đảo nhất ở nước ngoài và an ninh quốc gia Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào các lực lượng Mỹ này. Việc Tổng thống Trump yêu cầu Lầu Năm Góc lên kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc có thể khiến Nhật Bản lo ngại.
Bên cạnh đó, quan điểm của Tokyo và Washington về vấn đề con tin Nhật Bản bị phía Triều Tiên bắt cóc trong chiến tranh cũng không đồng nhất. Trong khi giải quyết vấn đề này là ưu tiên lớn nhất đối với Nhật Bản nói chung và đối với cá nhân ông Abe nói riêng, Mỹ lại không coi đó là một ưu tiên dù đã nhất trí rằng Triều Tiên nên giải quyết vấn đề này.
Chính vì vậy, chuyên gia Jenna Gibson , Giám đốc Truyền thông tại Viện Kinh tế phi lợi nhuận Triều Tiên có trụ sở tại Washington (KEI) nhận định, việc ông Abe cố gắng nêu lại quan điểm trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có mục đích “in trong đầu” ông Trump những ưu tiên của Nhật Bản khi ông đến Singapore.
Những lo ngại của ông Abe không phải là vô cớ trong bối cảnh chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đang được chính quyền Tổng thống Trump thực thi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Ông Trump đang tìm cách chinh phục cử tri khi mùa bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang tới.
Một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm bảo vệ an ninh Mỹ trước tiên sẽ giúp ông Trump và đảng Cộng hòa dễ dàng ghi điểm, mà thỏa thuận này sẽ dễ dàng đạt được hơn so với tìm một thỏa thuận “vẹn cả đôi đường”, quan tâm đến lợi ích của cả các đồng minh và bạn hữu. Trong khi đó, Thủ tướng Abe cũng cần một chiến thắng chính trị trong vấn đề bắt cóc con tin để củng cố vị thế của mình trong đảng Dân chủ Tự do, trước thềm cuộc bầu cử nội bộ đảng vào tháng 9 tới.
Ngoài chủ đề an ninh, vấn đề thương mại Nhật - Mỹ là điều mà Thủ tướng Nhật Bản cần đàm phán nhất với Mỹ. Tháng 4 vừa qua, ông Trump đã đăng dòng tweet nói rằng, Nhật Bản "đã giáng đòn mạnh vào thương mại của Mỹ trong nhiều năm". Washington đã áp đặt các biểu thuế quan mới đối với sản phẩm thép và nhôm của Nhật Bản và dọa tăng thuế với mặt hàng ô tô, trong khi thúc giục Tokyo tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương.
Việc Washington thổi bùng lên làn sóng bảo hộ thương mại khi áp mức thuế mới lên mặt hàng nhập khẩu thép và nhôm đối với Nhật Bản và một vài đối tác thương mại lớn, đang đặt thêm gánh nặng lên ông Abe. Trước khi rời Tokyo, ông Abe nói: "Tôi khẳng định rằng G7 - đã phát triển trật tự kinh tế công bằng và tự do - đóng vai trò trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới". Tuy nhiên, để đổi lại sự đảm bảo về vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản, ông Abe dường như đã phải nhượng bộ Mỹ trong vấn đề thương mại.
Phát biểu sau cuộc gặp tại Washington, Tổng thống Mỹ cho biết, ông Abe đã hứa “tăng mua hàng tỷ tỷ USD các loại sản phẩm từ máy bay quân sự, máy bay dân dụng đến hàng nông sản”… nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ. Hai bên cũng đã nhất trí chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán thương mại song phương đầu tiên vào tháng 7 tới trong khuôn khổ mới – điều mà ông Trump luôn muốn hơn mọi thỏa thuận thương mại đa phương.
Giới phân tích cho rằng, nền tảng mới này có thể đặt Nhật Bản trực tiếp dưới sức ép của Mỹ, nhằm thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Nhật Bản vốn luôn tránh bước vào các cuộc đàm phán như vậy, vì không muốn phải mở cửa các thị trường nhạy cảm về chính trị của mình, như nông nghiệp.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh chớp nhoáng trên, phần lớn các báo lớn của Mỹ như New York Times và Washington Post đánh giá Thủ tướng Nhật Bản đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình trong chuyến đi này là giải quyết những bất đồng thương mại giữa hai nước, cũng như tái khẳng định vai trò của Tokyo trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Kết quả của cuộc gặp cho thấy, “mối quan hệ Mỹ - Nhật đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, như lời khẳng định của Tổng thống Trump tại cuộc họp báo chung sau đó. Tuy nhiên, tất cả mới dừng ở lời nói. Chỉ thực tế mới đem lại câu trả lời chính xác nhất cho những nỗ lực của ông Abe.
Thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn: Tiêu điểm Triều Tiên Trọng tâm cuộc gặp tại Tokyo giữa Thủ tướng nước chủ Nhà Shinzo Abe, người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống ... |
Nhật Bản kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa Ngày 9/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí ... |
Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Bộn bề lo toan Một thành công trong chuyến đi tới xứ cờ hoa là tối quan trọng với ông Shinzo Abe nhằm xoa dịu dư luận trong nước ... |