Thủ tướng Anh ca ngợi quyết định của nước này trong việc giành lại quyền kiểm soát vận mệnh đất nước', 5 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. (Nguồn: AFP) |
Cuộc trưng cầu dân ý của Anh vào ngày 23/6/2016, với kết quả sít sao ủng hộ việc nước này chấm dứt 5 thập kỷ hội nhập với châu Âu, vẫn đang gây nên những tác động chính trị và kinh tế.
Những lợi ích mà ông Johnson hứa hẹn cho một "Nước Anh toàn cầu" vẫn chỉ đang nằm trong kế hoạch thực hiện, trong khi sự gắn kết của chính Vương quốc Anh đang đối mặt với rủi ro từ phong trào dân tộc chủ nghĩa được khuyến khích tại Scotland, nơi ủng hộ EU.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson vẫn lạc quan, cho rằng, 5 năm trước, người dân Anh đã đưa ra quyết định quan trọng là rời EU và nắm lại quyền kiểm soát vận mệnh đất nước.
Ông nói: "Giờ đây, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, chúng ta sẽ khai thác tiềm năng thực sự của chủ quyền mà chúng ta đã giành lại để đoàn kết và nâng tầm Vương quốc Anh...
Chính phủ đã hoàn thành Brexit và đã giành lại được tiền, luật lệ, biên giới và vùng biển của chúng ta".
Trên thực tế, Anh vẫn bị ràng buộc bởi hàng loạt luật lệ của EU. Chính phủ Anh đang vấp phải sự phản ứng từ ngư dân và nông dân, những người cho rằng, đang bị phản bội bởi các thỏa thuận thương mại mới của chính phủ.
Một cuộc thăm dò của công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Savanta ComRes cho thấy, nếu cuộc trưng cầu dân ý được lặp lại vào ngày 23/6 năm nay, kết quả sẽ là 51-49 ủng hộ việc ở lại. Nhưng khi được hỏi liệu Anh có nên tái gia nhập EU hay không, 51% không đồng ý.