📞

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Quan tâm giáo dục đúng mức để tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững

Hồng Lê 17:24 | 19/08/2024
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thủ tướng phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua. (Nguồn: MOET)

Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu chính Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

10 điểm sáng trong năm học 2023-2024

Năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra; công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và cải thiện rõ rệt về chất lượng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin...

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục, nhất là trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu; chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...

Người học là chủ thể, thầy cô là động lực...

Phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Năm học 2024-2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công tư, đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp thực tiễn.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, giáo dục - đào tạo cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững; yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng".

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm nêu trên; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Chủ trì Hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi.

Ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với cả nước, ngành Giáo dục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Đây là cũng thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: Thực hiện tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đổi mới giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cùng các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành.

Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị này, chúng ta cùng nhau đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ của năm học vừa qua, đánh giá sâu các kết quả đạt được, những điểm còn hạn chế, những bài học kinh nghiệm, những giải pháp khắc phục, những vấn đề còn bất cập và giải pháp cần đưa ra.

Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Quá trình triển khai qua 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu kế hoạch, là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Theo Bộ trưởng, cần xác định rằng, năm học 2024-2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước có rất nhiều dịp kỷ niệm quan trọng; là thời điểm toàn ngành tích cực và phấn đấu triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng với nhiều giải pháp, nhiệm vụ lớn.

Đây cũng là năm học kết thúc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.