Thủ tướng đón, hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar
17:10 | 19/04/2018
Chiều 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón trọng thể Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi và sau đó, hai bên tiến hành hội đàm.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bà Daw Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 - 20/4. (Ảnh: Tuấn Anh)
Chuyến thăm của cựu Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tới Việt Nam tháng 10/2016 đã tạo thêm cơ sở để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Myanmar. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar tháng 8/2017 đã đánh dấu mốc quan trọng, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Hợp tác Toàn diện. (Ảnh: Tuấn Anh)
Chuyến thăm lần này của bà Aung San Suu Kyi không chỉ tiếp nối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện về mọi mặt và tạo thêm cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. (Ảnh: Tuấn Anh)
Lãnh đạo hai nước xem xét sự phát triển của quan hệ và hợp tác song phương những năm qua, đặc biệt kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Hợp tác Toàn diện. (Ảnh: Tuấn Anh)
Để hiện thực hoá hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, hai bên sẽ thảo luận thêm các biện pháp thúc đẩy hợp tác không chỉ trong lĩnh vực chính trị, thương mại và đầu tư, quốc phòng, an ninh, mà cả trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, kết nối, năng lượng, viễn thông, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực, nêu các biện pháp hợp tác trong các diễn đàn đa phương, vừa đảm bảo được lợi ích của hai dân tộc, vừa đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cuộc hội đàm song phương. (Ảnh: Tuấn Anh)
Trong những năm qua, việc trao đổi các đoàn thăm viếng các cấp, các kênh đã giúp củng cố tình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau. Hai bên đã tăng cường tính hiệu quả của hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hợp tác kinh tế song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ: khối lượng thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đã đặt ra. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar. (Ảnh: Tuấn Anh)
Số liệu thống kê cho thấy quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Tốc độ buôn bán hai chiều đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 27,3%/năm ghi nhận trong giai đoạn 2010-2016 và đã đạt mức tăng 51% trong năm 2017.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa Việt Nam - Myanmar. (Ảnh: Tuấn Anh)
(Ảnh: Tuấn Anh)
(Ảnh: Tuấn Anh)
Điểm nổi bật về hợp tác văn hóa trong năm 2017 là hai nước đã ký được Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2017-2020 nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tạo đà cho các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao giữa hai nước. (Ảnh: Tuấn Anh)
Với đà phát triển thuận lợi cùng những kinh nghiệm phong phú của hơn 40 năm giao lưu hợp tác cộng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Myanmar sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả mới, to lớn hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. (Ảnh: Tuấn Anh)
Chiến dịch 'JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết' nhằm tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc vừa được phát động.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.