Thủ tướng dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Diễn đàn cấp cao thường niên 2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 29) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, Nghị quyết đã đề ra các quan điểm, mục tiêu tổng quát và 24 mục tiêu cụ thể, 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
“Để góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 29, năm nay, Diễn đàn Công nghiệp 4.0 đã lựa chọn chủ đề của Phiên toàn thể là 'Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Quy mô của Diễn đàn bao gồm 1 Phiên toàn thể, 6 hội thảo chuyên đề và hoạt động triển lãm; có trên 2.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Diễn đàn”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, trong phiên toàn thể cấp cao các đại biểu tập trung thảo luận tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, trao đổi, làm rõ kinh nghiệm của quốc tế về công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ sở thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và rút ra các bài học kinh nghiệm, hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
Thứ hai, làm rõ thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam; những kết quả và hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan về tổ chức thực hiện.
Thứ ba, trao đổi, đề xuất những giải pháp, chính sách để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn nêu tại Nghị quyết 29; nhất là về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tạo đột phá cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tập trung vào các nhóm nội dung như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...
Tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia;
Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo hướng không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải đến các phân ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Việt Nam năm 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn; ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng;
Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; về quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước
Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương khẳng định, trên cơ sở kết quả Diễn đàn Công nghiệp 4.0 lần này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp các ý kiến gửi các cơ quan và địa phương phục vụ quá trình xây dựng các Nghị quyết, Chương trình hành động, Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết của các cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương.
Sáng 14/6 diễn ra chuỗi 4 phiên Hội thảo chuyên đề tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam”; “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. |