Đây là chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của bà Angela Merkel kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Quan trọng hơn, khi nhiệm kỳ dài 16 năm của nhà lãnh đạo này sẽ khép lại sau ngày 26/9 tới, chuyến thăm chính thức Mỹ lần thứ 19 này có thể là chuyến công du lớn cuối cùng của bà trên cương vị Thủ tướng Đức.
Do đó, bà Angela Merkel đứng trước cơ hội củng cố quan hệ Mỹ-Đức, vốn chịu tổn hại do chính sách đơn phương của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tạo nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm và viết nên cái kết đẹp cho sự nghiệp chính trị của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Thượng đỉnh G7 vừa qua tại Anh. (Nguồn: Imago Images) |
Về phía Mỹ, không phải ngẫu nhiên mà nhiều quan chức đối ngoại nước này cho rằng người họ có thể nói chuyện về châu Âu một cách thẳng thắn không ai khác ngoài nhà lãnh đạo Đức.
Khác với thời chính quyền Donald Trump, Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden coi trọng quan hệ với Berlin, đặc biệt là Thủ tướng Angela Merkel.
Hai đặc điểm trong phương châm “Đưa nước Mỹ trở lại” của ông Joe Biden là khôi phục vị thế dẫn dắt thông qua củng cố quan hệ với đồng minh, đối tác và trở lại chủ nghĩa đa phương.
Đức là “người bạn không thể tốt hơn” của Mỹ và đóng vai trò quan trọng tại cơ chế, diễn đàn đa phương. Một mối quan hệ Mỹ-Đức bền chặt sẽ là minh chứng rõ nét cho cam kết “Đưa nước Mỹ trở lại”. Do đó, cuộc gặp ngày 15/7 được cả hai bên đặc biệt mong đợi.
Tìm lợi ích chung
Trong cuộc gặp sắp tới tại Washington D.C, hai nhà lãnh đạo dự kiến đề cập tới thách thức từ biến đổi khí hậu, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc tế trên giá trị chung cũng như các biện pháp đối phó và khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid-19.
Câu chuyện về hợp tác trong phòng chống Covid-19, đặc biệt là quá trình cộng tác nghiên cứu, sản xuất vaccine giữa Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Mới đây, trong chuyến thăm nhà máy dược phẩm của Pfizer tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan (Mỹ) ngày 13/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định ông sẵn sàng thảo luận về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19.
Trước đó, Washington đề xuất tạm hoãn vấn đề bản quyền để tăng cường sản xuất vaccine Covid-19 cho nước nghèo, song Đức từ chối.
Tuy nhiên, tuyên bố trên cho thấy không loại trừ khả năng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể mang tới tiến triển trong chuyện này, mở rộng lượng vaccine Covid-19 cung cấp cho các nước kém phát triển hơn, phù hợp với cam kết của ông Biden và củng cố danh tiếng cho bà Merkel.
Biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác. Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển (G7) vừa qua đã đặt ra mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học và năm 2030 bằng cách bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và biển, giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chấm dứt việc dùng ngân sách công tài trợ cho các nhà máy điện than trong năm nay.
Câu chuyện về hợp tác trong phòng chống Covid-19, đặc biệt là quá trình cộng tác nghiên cứu, sản xuất vaccine giữa Pfizer (Mỹ) và bioNTech (Đức) là điểm sáng trong quan hệ song phương. |
Trong đó, cả Mỹ và Đức đang cho thấy cam kết cụ thể về vấn đề này.
Từ năm 2019, Berlin đã thông qua Luật Hành động Khí hậu, qua đó thiết lập mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính năm 2030 còn 55% so với năm 1990, đồng thời đề ra giới hạn khí thải trong một số lĩnh vực cụ thể như năng lượng, ô tô.
Dưới thời ông Biden, Washington đã bổ nhiệm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry, thiết lập cơ chế chuyên trách và liên tục đề cập vấn đề này trong thảo luận với các nước.
Do đó, chống biến đổi khí hậu rõ ràng là lĩnh vực hai nhà lãnh đạo có thể tìm kiếm tiếng nói chung.
Tránh khơi bất đồng
Tuy nhiên, câu chuyện về khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Đức về Nga, Trung Quốc sẽ rất khác.
Một chuyên gia cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden có thể phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án hợp tác Nga-Đức trong cuộc gặp Thủ tướng Angela.
Theo ông chủ Nhà Trắng, Washington chỉ tạm thời ngưng trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG phụ trách dự án là nhằm “tạo khoảng trống” để Mỹ - Đức có thể cùng giải quyết tác động từ dự án này.
Quan chức này cũng cho biết Mỹ đang thảo luận để đảm bảo rằng Nga không thể sử dụng năng lượng như một công cụ gây sức ép với Ukraine, các đồng minh sườn phía Đông hoặc nước khác.
Trong khi đó, Deutsch Welle cho rằng từ góc nhìn thực tế của bà Merkel, Nord Stream 2 đơn thuần là một dự án năng lượng hợp tác với Nga và không mang hàm ý về chính trị.
Song theo chuyên gia Thorsten Benner thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi), Mỹ-Đức có thể đạt được tiến bộ liên quan tới Nord Stream 2, nếu bà Merkel có thể đảm bảo vai trò trung chuyển khí đốt của Ukraine trong mọi trường hợp.
Mỹ và Đức cũng khó tìm kiếm tiếng nói chung về Trung Quốc.
Trong 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Merkel ủng hộ mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Đức, châu Âu với Trung Quốc, cũng như thỏa thuận đầu tư Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc cuối năm ngoái. Washington lại coi Bắc Kinh là “mối đe dọa” và một muốn tìm kiếm mặt trận chung chống lại ảnh hưởng của quốc gia châu Á.
Sự khác biệt này đã được thể hiện rõ tại Thượng đỉnh G7– khi Mỹ muốn công khai chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền, Berlin lại nhấn mạnh về hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực cùng quan tâm.
Nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Trung Quốc. (Nguồn: Bundesregierung) |
Chuyên gia về đối ngoại, Nghị sỹ Bundestag Alexander Graf Lambsdorff nhận định khác biệt về lập trường này khiến Washington duy trì thái độ hoài nghi đối với Berlin cũng như cách tiếp cận “nặng tính kinh doanh” của Thủ tướng Angela Merkel.
Trong khi đó, ông Benner cũng cho rằng “không nên kỳ vọng hơn bất cứ diều gì” từ nhà lãnh đạo Đức trong chính sách đối với Trung Quốc.
Do đó, theo giới chuyên gia, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ chỉ kêu gọi Bắc Kinh nỗ lực giảm thiểu phát thải khí carbon, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu, hay xa hơn là mở cửa nền kinh tế.
Ông Lambsdorff nhận định quan hệ xuyên Đại Tây Dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ hiện nay. Do đó, ngay cả khi Trung Quốc có là “thách thức chiến lược lớn nhất của thời đại” hay hai bên có khác biệt lập trường về Nga, Washington sẽ không đặt Berlin vào thế khó, gây tổn hại tới quan hệ song phương.
Tương tự, Thủ tướng Angela Merkel hẳn mong muốn chuyến công du lớn cuối cùng trong sự nghiệp sẽ diễn ra suôn sẻ, khép lại sự nghiệp chính trị nhiều thăng trầm, với món quà cuối cùng dành cho người kế nhiệm là mối quan hệ Mỹ - Đức cởi mở, bền chặt.