Thủ tướng Hungary đã 'có chiêu' bảo vệ nguồn khí đốt Nga, vẹn nguyên huyết mạch kinh tế Hungary. (Nguồn: INA) |
Cụ thể, Hungary đang đàm phán với cả Moscow và Kiev với mục tiêu giữ nguyên các chuyến hàng khí đốt đang được trung chuyển qua Ukraine, Thủ tướng Viktor Orban cho biết vào ngày 21/12.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine đã xác nhận rằng, KIev sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép gã khổng lồ năng lượng của Nga Gazprom tiếp cận đường ống khí đốt trung chuyển chạy qua đất Ukraine. Hợp đồng sẽ kết thúc vào ngày 31/12.
Quyết định của Kiev đã gây ra mối lo ngại không chỉ đối với Hungary, mà còn cả các quốc gia châu Âu khác. Hiện Thủ tướng Orban đã ám chỉ đến một giải pháp có khả năng không theo quy ước để giữ nguyên tuyến đường khí đốt đến Budapest, bảo vệ "huyết mạch kinh tế" của đất nước.
"Chúng tôi hiện đang thử mẹo này... rằng nếu khí đốt, khi vào lãnh thổ Ukraine, không còn là của Nga nữa mà đã thuộc quyền sở hữu của người mua", Thủ tướng Orban chia sẻ trong các bình luận được Reuters đưa tin.
Vì vậy, khí đốt khi đi vào Ukraine sẽ không còn là khí đốt của Nga nữa mà sẽ là khí đốt của Hungary.
Người ta không biết đề xuất này đã được chấp thuận như thế nào ở Moscow và Kiev, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây từng nói rằng, Kiev sẽ không cho phép Nga "kiếm thêm hàng tỷ USD" từ xuất khẩu khí đốt, trong khi vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hungary được coi là quốc gia thân thiện nhất với Moscow trong EU và NATO, liên tục công khai cản trở viện trợ cho Kiev và ngăn chặn các lệnh trừng phạt Nga.
Ngoại trưởng nước này - Peter Szijjarto cũng đã nhiều lần đến thăm Nga trong suốt cuộc xung đột - một bước đi mà các đồng nghiệp châu Âu của ông đã luốn tránh thực hiện.
Trên thực tế, cùng với Slovakia và Áo, Hungary vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, được thanh toán thông qua Gazprombank hiện đang bị trừng phạt. Hungary nhận được khoảng 4,5 tỷ m3 khí đốt của Nga mỗi năm theo một thỏa thuận kéo dài 15 năm được ký vào năm 2021.
Đầu tháng này, Hungary đã yêu cầu Mỹ cung cấp cho quốc gia này một lệnh miễn trừ trừng phạt để tiếp tục thanh toán cho việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua Gazprombank, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết.
Trước đó, ngày 21/11, Mỹ đã đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào hàng chục ngân hàng Nga, bao gồm Gazprombank, các công ty đăng ký chứng khoán và các quan chức tài chính.
"Hôm qua, chúng tôi đã nộp đề nghị lên các cơ quan chức năng có liên quan của Mỹ, yêu cầu để Gazprombank được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt khi thanh toán khí đốt tự nhiên", ông Szijjarto cho biết, trong chuyến thăm Washington trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt trên được công bố, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết, vào ngày 22/11 rằng, các lệnh trừng phạt đánh dấu một "cuộc tấn công vào chủ quyền của chúng tôi" - việc thực hiện lệnh đó, sẽ là "mối đe dọa thực sự đối với an ninh năng lượng quốc gia Hungary".
Trước đây, Mỹ đã kiềm chế không nhắm vào Gazprombank, để lại "khe cửa hẹp" cho phép các nước châu Âu tiếp tục thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga, vì ngân hàng này là kênh chính cho các khoản thanh toán liên quan đến năng lượng. Tuy nhiên, bất chấp sự kiềm chế trong quá khứ, Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết, các lệnh trừng phạt gần đây nhất "sẽ khiến Điện Kremlin khó trốn tránh và sẽ phải giảm nguồn tài trợ, cũng như trang bị cho quân đội của mình hơn".
Tờ Financial Times lưu ý trong báo cáo mới đây rằng, Nga đã sử dụng Gazprombank để mua thiết bị quân sự, trả lương cho binh lính và bồi thường cho gia đình những người thiệt mạng trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm mục đích đóng nốt một trong số ít các con đường còn lại của Nga đối với hoạt động ngân hàng quốc tế, cấm Gazprombank thực hiện các giao dịch bằng đồng USD.
Ngoài ra, Thủ tướng Hungary còn tính toán đến "kế hoạch B", ông cho biết, nước này sẽ tìm cách khác để nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, nếu đường ống chính qua Ukraine bị cắt đứt vào năm mới. Theo đó, Budapest có ý định chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt của mình qua Bulgaria và Romania,
Trong chuyến thăm Sofia vào ngày 20/12, ông Orbán cho biết, Bulgaria đã đảm bảo với ông rằng, nguồn cung cấp năng lượng cho Hungary có thể đi theo tuyến đường của nước này, hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP đưa tin.
"Bulgaria là quốc gia quan trọng đối với Hungary, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, vì đây là tuyến đường được đảm bảo duy nhất để cung cấp cho Hungary các nguồn năng lượng không thể thiếu", Thủ tướng Orbán cho biết.
Năm ngoái, Bulgaria đã cân nhắc áp dụng mức thuế bổ sung đối với khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ của mình.
Ở một góc nhìn khác về thị trường năng lượng châu Âu, trong khi nhiều nước châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ sau chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine vào năm 2022, thì nhập khẩu từ Nga vẫn là yếu tố then chốt đối với nhiều quốc gia. Các thành viên EU, bao gồm Áo, Hungary, Italy và Slovakia đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận quá cảnh của Ukraine, trong khi Moldova - quốc gia không nằm trong khối - đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước thời điểm đường ống có thể bị cắt.
Hungary, quốc gia đã ký thỏa thuận với Gazprom vào năm 2021, nhập khẩu 80% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Trên thực tế, cập nhật đến ngày 21/12, Nhà sản xuất khí đốt Gazprom của Nga cho biết sẽ vận chuyển 42,4 triệu m3 khí đốt đến châu Âu qua Ukraine trong ngày. Tuyên bố của Gazprom nêu rõ, lượng khí đốt nói trên tương đương lượng vận chuyển khí đốt đã được công ty này thực hiện một ngày trước.
Cũng trong ngày 21/12, TASS đưa tin, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal thông báo, Kiev sẽ chấm dứt hoạt động trung chuyển khí đốt của Nga qua nước này vào lúc 7:00 sáng ngày 1/1/2025 giờ địa phương, khi hợp đồng vận chuyển khí đốt với thời hạn 5 năm kết thúc.
Thủ tướng Shmygal nêu rõ, việc tái khởi động hoạt động quá cảnh thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine có thể thực hiện được theo yêu cầu từ phía Ủy ban châu Âu (EC) nếu đây không phải là khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Ukraine vẫn sẽ tiếp tục cho phép Nga vận chuyển dầu qua nước này theo hiệp ước Hiến chương Năng lượng.
Ukraine đã cấm mọi hoạt động thương mại với Nga vào tháng 2/2022, ngoại trừ việc quá cảnh khí đốt và dầu mỏ. Tổng thống Ukraine Zelenskyy cho biết, mặc dù hợp đồng với Gazprom sẽ không được gia hạn, nhưng có thể có ngoại lệ nếu việc thanh toán khí đốt của Nga bị trì hoãn cho đến sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc. Thỏa thuận quá cảnh thời hạn 5 năm giữa Tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine và Tập đoàn Gazprom của Nga đã được thực hiện kể từ đầu năm 2019.