Thủ tướng Lào chủ trì cuộc đối thoại. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Lào với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Lào nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.
Tham dự cuộc gặp còn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy, các bộ trưởng, thứ trưởng của Văn phòng Thủ tướng; của các bộ: Kế hoạch - Đầu tư; Tài nguyên Môi trường; Công Thương; Nông lâm; Công Chính và Vận tải; Lao động và Phúc lợi - Xã hội; Ủy ban hợp tác Lào - Việt, Ngân hàng nhà nước; Hội đồng Công nghiệp và Thương mại quốc gia, cùng nhiều đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Lào.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) Trần Bắc Hà; Đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư, kinh doanh tại Lào, cùng đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang, Savannakhet và Champasack và gần 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Lào, tập trung vào 6 chủ đề gồm: Thủ tục cấp phép quản lý đầu tư và việc cấp phép đầu tư; Chính sách đất đai và giải phóng mặt bằng; Xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tạm nhập tái xuất; Thuế, các lệ phí liên quan và vấn đề hoàn thuế; Nguồn nhân lực và vấn đề thị thực cho lao động; Môi trường kinh doanh.
Phát biểu tại cuộc gặp, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) và đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tại Lào như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Golf Long Thành, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty PV Oil Lào, Công ty Điện Việt - Lào đã có các phát biểu thẳng thắn về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào; nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ Lào nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào trong thời gian tới.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo đại diện các bộ của Lào đã lần lượt trả lời và giải quyết các thắc mắc, khó khăn và đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Lào, cam kết sẽ giải quyết sớm những vấn đề dễ có thể làm được ngay. Đối với những vấn đề phức tạp, lãnh đạo các bộ của Lào đề nghị các bên gặp gỡ, bàn bạc để cùng phối hợp giải quyết.
Liên quan tới việc một số doanh nghiệp Việt Nam nói về vấn đề chậm hoàn thuế VAT, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy cho biết sẽ cho kiểm tra lại để có những đánh giá cụ thể, qua đó sẽ có quyết định phù hợp.
Về vấn đề thiếu lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Phúc lợi Lào, bà Baykham Khattinha cho biết luật của Lào cho phép mỗi dự án chỉ được nhận 10% lao động phổ thông, tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nước ngoài có thể căn cứ trên tình hình thực tế để trình lên Bộ, khi đó Bộ sẽ xem xét giải quyết….
Nhìn chung, Lãnh đạo các bộ của Lào đều cho rằng, trong trường hợp gặp những khó khăn vướng mắc trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nước ngoài nói chung có thể liên hệ trực tiếp với các bộ ngành liên quan để cùng nhau tháo gỡ và giải quyết. Quan trọng nhất là nhà đầu tư Việt Nam thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết, nếu có khó khăn thì kiến nghị ngay để giải quyết kịp thời, đồng thời phải thực hiện theo nghĩa vụ pháp luật vì còn nhiều nước sang đầu tư và phải cạnh tranh với nhau.
Phát biểu tổng kết cuộc gặp mặt và đối thoại, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết Việt Nam và Lào có mối quan hệ có một không hai trên thế giới, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh cả trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước. Việc Thủ tướng và hơn một nửa số bộ trưởng trong Chính phủ của Lào có mặt ở đây hôm nay thể hiện mối quan hệ đặc biệt đó, chứng tỏ, phía Lào rất muốn nghe các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình kinh doanh, đầu tư tại Lào để cùng nhau giải quyết các vấn đề.
Đánh giá về đầu tư của Việt Nam tại Lào, Thủ tướng Lào cho biết 15 năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hầu như không đáng kể, nay Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ 3 tại Lào, điều này thể hiện sự chặt chẽ trong quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực; khẳng định Chính phủ Lào luôn ưu tiên và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam nói về vấn đề cơ chế còn chậm chạp, giám sát yếu, Thủ tướng Lào cho biết điều này có thể giải quyết được, tuy nhiên, cũng có cái nhanh, có cái chậm do phải nghiên cứu tỉ mỉ, đồng thời mong các nhà đầu tư Việt Nam thông cảm cùng hợp tác giải quyết, nếu có vấn đề gì cảm thấy chậm nên gặp thẳng các bộ, ngành liên quan.
Nói về đề nghị cấp thêm đất trồng cây công nghiệp, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết Lào đã dừng cấp đất trồng cao su, do giá thấp, lao động Lào không đủ và thực tế Lào cũng không còn quỹ đất. Về vấn đề cấp mới giấy phép thăm dò và khai thác mỏ, Thủ tướng Lào cho biết Chính phủ không cho phép khai thác các mỏ mới, chỉ cho phép các dự án đã cấp phép, vì điều này có liên quan đến môi trường, an toàn, đời sống người dân; đồng thời cho biết, sẽ không hứa đến khi nào sẽ mở cấp phép lại…
Về lĩnh vực tạo thuận lợi trong đầu tư, Thủ tướng Lào khẳng định, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, cũng như các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào nói riêng trong hoạt động đầu tư kinh doanh; đồng thời, sẽ chỉ đạo các bộ, ban, ngành cùng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam bàn bạc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên từng lĩnh vực, từng vụ việc cụ thể.
Thủ tướng Lào đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào phải như những chiến sỹ tình nguyện trước kia, sang đầu tư tại Lào không nên nghĩ đến lợi ích ngắn hạn mà nên mang tính chiến lược lâu dài để lựa chọn lĩnh vực đầu tư cụ thể, theo thế mạnh của mình nhằm mang lại lợi ích cho Lào và cho hai nước; Khẳng định, Chính phủ Lào khuyến khích các nhà đầu tư đến từ tất cả các quốc gia cạnh tranh một cách công bằng, đồng thời, phải nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng luật pháp của Lào.
Đánh giá về kết quả cuộc đối thoại, ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc PV OIL Lào cho biết: “Đứng ở góc độ doanh nghiệp tôi thấy đây là buổi đối thoại rất thành công vì đây là lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp với sự tham dự của nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, ngành của Lào; trực tiếp trả lời từ những việc nhỏ, đến việc lớn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào…. Tôi cho rằng đây là điểm đổi mới, điểm nổi bật trong ban lãnh đạo khóa mới của Lào…; Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết được những vướng mắc, tham gia được vào thị trường tại Lào”.
*Theo số liệu của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, luồng vốn đầu tư FDI của Việt Nam vào Lào liên tục tăng trong giai đoạn 2011-2015 cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Đến hết tháng 09/2016, Việt Nam đã có 266 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp phép đầu tư sang Lào với tổng số vốn đăng ký là 5,1 tỷ USD, gấp 1,3 lần về số dự án và gấp 1,26 lần về tổng vốn đầu tư so với năm 2011; đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào và Lào đứng thứ 1 trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam; Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã phủ khắp 16/18 tỉnh, thành phố của Lào.
Nhiều dự án Việt Nam đầu tư vào Lào quy mô lớn hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào, góp phần tăng thu ngân sách cho Chính phủ Lào khoảng 240-260 triệu USD/năm, tạo việc làm cho 35.000 lao động. Dự kiến, trong năm 2017, con số này sẽ đạt 350-400 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động Lào và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.