📞

Thủ tướng Malaysia thăm Việt Nam: Nâng cao sức mạnh tổng hợp của hai nước hậu Covid-19

Thu Trang 10:52 | 18/03/2022
Theo ông Neermal Shunmugam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato ’Sri Ismail Sabri Yaakob nhằm mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nâng cao sức mạnh tổng hợp của hai nước trong hợp tác sau đại dịch Covid-19.
Ông Neermal Shunmugam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ông Neermal Shunmugam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo TG&VN trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob từ ngày 20-22/3.

Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob?

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Dato ’Sri Ismail Sabri Yaakob tới Việt Nam từ ngày 20-22/3 là một phần trong các chuyến thăm ra mắt của Thủ tướng Malaysia với các nước ASEAN. Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Dato ’Sri Ismail Sabri Yaakob trên cương vị Thủ tướng Malaysia kể từ khi nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái.

Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nâng cao sức mạnh tổng hợp của hai nước trong hợp tác sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai bên khám phá những khía cạnh mới của hợp tác song phương; thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; và thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ là nền tảng tuyệt vời để Thủ tướng Malaysia xây dựng mối quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính. Mối quan hệ thân thiết giữa Lãnh đạo hai nước chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao quan hệ song phương Malaysia - Việt Nam về lâu dài.

Ông hãy chia sẻ một số ấn tượng của mình về những bước phát triển quan hệ Việt Nam-Malaysia trong thời gian gần đây? Kỳ vọng của ông về mối quan hệ này sau chuyến thăm là gì?

Là quốc gia có vị trí địa lý gần gũi, lịch sử lâu đời và sự giao lưu nhân dân mạnh mẽ, Malaysia coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực. Do đó, kể từ năm 2015, quan hệ của chúng ta đã được nâng lên cấp Đối tác chiến lược.

Mối quan hệ song phương của chúng ta được bổ trợ nhờ sự tham gia chặt chẽ trong ASEAN, nơi hai nước đã và đang làm việc cùng nhau để thúc đẩy các lợi ích và mục tiêu của khu vực trên toàn thế giới.

Quan hệ Đối tác chiến Việt Nam-Malaysia lược được tích cực triển khai thông qua Chương trình Hành động. Gần đây, hai nước đã thông qua Chương trình Hành động (POA) giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là kế hoạch chi tiết để chúng ta tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Malaysia luôn tích cực tăng cường hợp tác với Việt Nam về cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong những năm gần đây. Điểm nổi bật của POA 2021-2025 sẽ là hợp tác hậu Covid-19, trong đó cả hai quốc gia quyết tâm hợp tác để hồi sinh các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và bắt tay vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm.

Một cột mốc quan trọng khác là mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều mới được đặt ra là 18 tỷ USD vào năm 2025. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự tăng cường trao đổi kinh doanh và đầu tư giữa hai nước, mục tiêu này sẽ đạt được vào năm 2025, thậm chí là sớm hơn.

Tính đến năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 9 của Việt Nam. Malaysia cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam với hơn 12,8 tỷ USD tổng giá trị đầu tư.

Điều quan trọng tiếp theo đối với cả hai nước là tăng tốc và mở rộng hợp tác kinh tế. Malaysia quan tâm đến việc thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số với Việt Nam, tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, năng lượng tái tạo, công nghệ tài chính và an ninh mạng.

Có thể khẳng định rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia chắc chắn sẽ thúc đẩy, nâng tầm quan hệ và hoạt động song phương trong thời kỳ hậu Covid-19 vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob. (Nguồn: AP)

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và trên các diễn đàn đa phương khác như Liên hợp quốc?

Hợp tác Malaysia và Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN luôn tốt đẹp và nhiều mặt. Hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả ba trụ cột ASEAN, đó là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa–Xã hội.

Nhìn chung, Malaysia và Việt Nam cùng với các quốc gia thành viên ASEAN khác đang tiếp tục tập trung vào các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cũng như gắn kết với các đối tác bên ngoài của ASEAN.

Trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020, Malaysia đã mở rộng hỗ trợ đối với các ưu tiên và nhiệm vụ chính mà Chủ tịch ASEAN đề ra trong năm. Malaysia tin tưởng có thể mong đợi mức độ hợp tác và hỗ trợ tương tự từ Việt Nam khi chúng tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, cũng như trong vai trò thuộc Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025 của Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2022-2025.

Malaysia là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) 2022-2024, trong khi Việt Nam cũng đang ứng cử vào vị trí này nhiệm kỳ 2023-2025. Vậy Malaysia có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam?

Trước tiên, cho phép tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự ủng hộ của Việt Nam dành cho Malaysia tại cuộc bỏ phiếu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hồi tháng 10 năm ngoái ở New York (Mỹ). Tư cách thành viên của HRC giúp Malaysia có cơ hội tiếp tục các cam kết của mình đối với sự tiến bộ và thúc đẩy nhân quyền ở trong và ngoài nước, như cách mà Malaysia từng làm khi là thành viên tích cực của HRC cách đây 8 năm.

Mới chỉ đảm nhận vai trò này từ ngày 1/1/2022, Malaysia mong muốn thực hiện các ưu tiên của mình như đã nêu trong các cam kết. Malaysia đã thực hiện một cách tiếp cận toàn xã hội trong việc thực hiện các cam kết tự nguyện khi chúng tôi quyết định ứng cử để trở thành thành viên HRC.

Chiến dịch tranh cử vào HRC cũng đặt ra một số thách thức cho chúng tôi, đặc biệt là các hạn chế bởi dịch Covid-19. Bởi vậy, chúng tôi không thể triển khai chiến dịch tranh cử theo cách truyền thống, đòi hỏi các cuộc tiếp xúc trực tiếp, các chuyến thăm và sự tham gia cấp cao tại các cuộc họp HRC.

Malaysia đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, tận dụng mạng xã hội để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá của mình. Chúng tôi đã làm việc để có sự phối hợp tốt nhất giữa trong nước và tất cả các cơ quan ở nước ngoài.

Kể từ khi trở thành thành viên của HRC, Malaysia đã thực hiện cách tiếp cận mang tính tham vấn và xây dựng. Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc và cơ chế của Liên hợp quốc cũng như xã hội dân sự.

Với tư cách là thành viên HRC, Malaysia mong muốn đưa ra tinh thần tham gia, hợp tác mang tính xây dựng, thiết thực, hòa nhập, minh bạch, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẵn sàng đóng vai trò cân bằng, phi chính trị hóa và mang tính xây dựng tại HRC nhằm làm phong phú thêm chất lượng đối thoại, hợp tác và hành động trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu, bao gồm cả các vấn đề cụ thể của từng quốc gia.

Malaysia lưu ý rằng Việt Nam nên tham gia tích cực vào tất cả các cuộc họp của HRC. Chúng tôi tin rằng hai nước có nhiều ưu tiên chung trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nơi cả hai có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa, trong đó có các vấn đề như trao quyền cho phụ nữ; trẻ em và giáo dục; biến đổi khí hậu và môi trường.

Những điều này có thể được triển khai ở tất cả các cấp, không chỉ thông qua các sáng kiến ​​của Chính phủ, mà còn dưới sự hợp tác của các tổ chức nhân quyền quốc gia, các đại diện của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), các viện nghiên cứu và tổ chức xã hội dân sự.

Chúng tôi mong muốn Việt Nam trúng cử vào HRC nhiệm 2023-2025 để hợp tác chặt chẽ cùng Malaysia về các vấn đề cùng quan tâm trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia cũng như trong khu vực và quốc tế.

Chúng tôi xin chúc Việt Nam mọi điều tốt đẹp nhất trong quá trình trở thành thành viên của HRC. Việt Nam có thể yên tâm về sự ủng hộ hết mình của Malaysia!

Xin cảm ơn ông!

Malaysia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam với hơn 12,8 tỷ USD tổng giá trị đầu tư. Ảnh minh họa: Dự án Gamuda City tại Hà Nội của chủ đầu tư bất động sản Malaysia. (Nguồn: Gamuda Land)

(thực hiện)