📞

Thủ tướng Nhật Bản: 'Không thể chậm trễ dù chỉ một chút trong giải quyết vấn đề ngoại giao và an ninh'

Vy Anh 13:31 | 14/08/2022
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và nội các mới của ông đã đưa ra những ưu tiên chính sách rõ ràng trong một bối cảnh mới đầy phức tạp.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: AFP)

Kế thừa phương châm đã được thực hiện

Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thành lập nội các mới gồm 20 người, trong đó, có 5 bộ trưởng lưu nhiệm tại các vị trí: Chánh văn phòng nội các, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế, Bộ trưởng Giao thông và đất đai.

Có 9 bộ trưởng lần đầu vào nội các tại các vị trí như Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Chấn hưng, Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Phục hồi địa phương, Bộ trưởng Nông-Lâm-Thủy sản, Bộ trưởng Vấn đề tỷ lệ sinh thấp và thúc đẩy hoạt động của phái nữ...

Phát biểu họp báo sau khi nội các mới được thành lập, Thủ tướng Kishida cho biết, 5 vị trí được lưu nhiệm là nền tảng cốt lõi của chính quyền và đây cũng là những lĩnh vực trọng tâm mà chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực trong thời gian tới.

Nội các mới sẽ ưu tiên tăng cường thể chế để bảo vệ hòa bình và ổn định của đất nước. Một trong số đó là tăng cường một cách cơ bản năng lực quốc phòng hướng đến sửa đổi các văn bản quan trọng trong năm 2022.

Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ và thống nhất việc thảo luận về năng lực quốc phòng cần thiết, quy mô ngân sách, đảm bảo nguồn tài chính; thực thi luật thúc đẩy an ninh kinh tế, trong đó có các nỗ lực để phòng ngừa chuyển giao kỹ thuật trái phép, kiện toàn chuỗi cung ứng, tái thiết kinh tế thông qua sáng kiến “Chủ nghĩa tư bản mới” và đây là vấn đề quan trọng nhất dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida;

Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó với giai đoạn mới phòng chống đại dịch Covid-19; tăng cường các chính sách về trẻ em và đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm thông qua thúc đẩy hoạt động của Cơ quan gia đình và trẻ em mới được thành lập.

Thủ tướng Kishida đã lưu nhiệm Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa và chủ trương kế thừa các phương châm ngoại giao đang tiến hành từ trước đến nay.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021, ông Hayashi đã đi thăm 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, hội đàm trực tiếp và trực tuyến hơn 240 lần với các nhà lãnh đạo nước ngoài, xây dựng được quan hệ tin cậy với bộ trưởng các nước và đưa ra các giải pháp ứng phó với nhiều vấn đề ngoại giao.

Các thành viên trong nội các mới của Nhật Bản chụp ảnh chung ngày 10/8. (Nguồn: AP)

Nhạy bén trong môi trường an ninh phức tạp

Trong vấn đề đảm bảo an ninh, Thủ tướng Kishida đã thể hiện quan điểm hết sức nghiêm túc khi nói: “Chúng ta không thể cho phép chậm trễ dù chỉ một chút trong việc giải quyết vấn đề ngoại giao và an ninh”.

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc), khiến quan hệ Washington và Bắc Kinh căng thẳng hơn, ngày 4/8, Trung Quốc đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo, trong đó có 5 tên lửa rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đón thời điểm 50 năm bình thường hóa quan hệ vào tháng 9 năm nay, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc thúc đẩy quan hệ hai nước vẫn chưa có sự đột phá, thậm chí còn rơi vào căng thẳng.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh việc quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc là điều quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Về hội đàm cấp cao Nhật-Trung, ông Kishida cũng cho biết, thời điểm hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra, tuy nhiên, Tokyo luôn cởi mở trong việc đối thoại với phía Bắc Kinh.

Trong bối cảnh môi trường an ninh thế giới ngày càng phức tạp, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, một trong những ưu tiên lớn nhất của chính phủ mới trong năm nay là tăng cường cơ bản năng lực quốc phòng. Tâm điểm chú ý trong chính sách này là gia tăng ngân sách quốc phòng của nước này.

Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vào khoảng 5.000 tỷ Yen, tương đương khoảng 1% GDP. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang đề xuất gia tăng ngân sách cho lĩnh vực này lên mức hơn 2% GDP.

Thủ tướng Kishida đã bổ nhiệm ông Yasukazu Hamada cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Hamada được đánh giá là có kinh nghiệm phong phú, khả năng điều phối mang tính cân bằng.

Về vấn đề kinh phí quốc phòng, tân Bộ trưởng Hamada đã tham gia thảo luận trong nội bộ LDP, tuy nhiên, ông không hoàn toàn nghiêng về quan điểm gia tăng một cách quá lớn ngân sách quốc phòng.

Trong cuộc họp báo ngày 10/8, ông Hamada cho rằng, việc tăng cường một cách cơ bản năng lực phòng vệ là không thể thiếu, song cần đưa ra các nhiệm vụ cần thiết để có thể đảm bảo môi trường an ninh hiện tại.

Thủ tướng Kishida cũng cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ thảo luận đồng loạt ba vấn đề là nội dung, dự toán ngân sách và nguồn tài chính. Việc thảo luận về ngân sách quốc phòng không chỉ là con số, mà đó là các nội dung về phạm vi tăng cường năng lực phòng vệ, thực thi chính sách mang tính cụ thể.

Như vậy, cả Thủ tướng Kishida và tân Bộ trưởng Quốc phòng Hamada đang cho thấy “sự chia sẻ” và “đồng lòng” trong các chính sách liên quan đến đảm bảo an ninh.

Với những định hướng hoạt động được đưa ra, nội các mới của Thủ tướng Kishida đang được đặt dấu hỏi về những chính sách mang tính cụ thể để có thể thực hiện được các chủ trương lớn này.

(theo Sankei Shimbun)