Thủ tướng Shinzo Abe: Thức thời và thực tế về chính trị quyền lực là một trong những tố chất nổi bật nhất ở con người này. (Nguồn: GETTY/TTXVN) |
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vừa không bất ngờ vừa gây bất ngờ. Việc này không gây bất ngờ bởi tin đồn về nó đã dậy lên ở Nhật Bản từ sau khi ông Abe phải vào bệnh viện khám bệnh và điều trị bệnh. Nó gây bất ngờ bởi ông Abe từ chức khi vị thế quyền lực vẫn còn rất vững vàng và gần như không thấy có đối thủ ở trên chính trường nói chung và trong đảng cầm quyền nói riêng. Nói theo cách khác, ông Abe hiện tại không bị bức bách phải từ chức như hồi năm 2006.
Thức thời và thực tế
Hồi ấy, ông Abe từ chức Thủ tướng sau thời gian cầm quyền rất ngắn ngủi, trên danh nghĩa chính thức vì lý do sức khoẻ nhưng trong thực chất vì không còn được đảng của chính mình ủng hộ. Lần trước từ chức trước khi bị thất sủng trong đảng cầm quyền, lần này từ chức trước khi sức khoẻ hoàn toàn không còn cho phép có thể tiếp tục cầm quyền được nữa. Thức thời và thực tế về chính trị quyền lực là một trong những tố chất nổi bật nhất ở con người này. Lần cầm quyền đầu tiên ngắn ngủi như thể chỉ là sự thử nghiệm và lần từ chức đầu tiên chỉ là bước lùi sách lược tình thế để rồi sẽ trở lại cầm quyền trong tương lai và một khi đã trở lại thì lợi hại hơn trước gấp bội lần.
Rời bỏ quyền lực khi ở đỉnh cao của quyền lực - trong lịch sử chính trị ở xứ Phù Tang cho đến nay không có mấy người được như ông Abe. Trong 8 năm cầm quyền liên tục vừa qua, ông Abe đã khắc đậm dấu ấn cầm quyền riêng và lập kỷ lục mới về thời gian cầm quyền liên tục dài nhất ở Nhật Bản. Những thành quả cầm quyền nổi bật của ông Abe bị phủ bóng đen ở vào thời điểm người này tuyên bố từ chức bởi mộng ước cá nhân bất thành là sửa đổi Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và bởi nước Nhật Bản vẫn chưa thoát được ra khỏi sự cương toả và tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Điều khiến ông Abe không thể không ngậm ngùi là nhận thức rằng con người dẫu có quyết tâm "nhân định thắng thiên" đến mấy thì nhiều khi vẫn không thể tự khắc phục được tình trạng "lực bất tòng tâm".
Kỷ lục và dấu ấn
Kỷ lục về thời gian cầm quyền liên tục của ông Abe chắc chắn sẽ tồn tại rất lâu dài. Nhưng đấy mới chỉ là một trong 4 dấu ấn cầm quyền sâu đậm của ông Abe. Chủ thuyết Abenomicslà dấu ấn cầm quyền đặc biệt thứ hai của ông Abe. Việc thực hiện nó cho đến nay đúng là không được triệt để và thành công mỹ mãn như ông Abe mong đợi và kỳ vọng nhưng nó đã là một lối thoát cho Nhật Bản ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế -xã hội dai dẳng và tình trạng giảm phát trầm trọng ở vào thời điểm đất nước này cấp thiết cần có lối thoát. Bất cứ ai rồi đây kế nhiệm ông Abe đều còn phải tiếp tục thực hiện chủ thuyết ấy thêm một thời gian nữa trước khi dẫn dắt kinh tế và xã hội Nhật Bản đi theo định hướng khác.
Dấu ấn cầm quyền sâu đậm thứ ba của ông Abe là một số điều bị coi là cấm kỵ lâu nay về chính trị và xã hội, về pháp lý và đối ngoại ở Nhật Bản bị ông Abe phá bỏ hoặc tìm cách phá bỏ. Những gì mà ông Abe đã đạt được trong thời gian 8 năm cầm quyền vừa qua tuy chưa nhiều và chưa hẳn thật sự cơ bản, lại càng chưa được đến mức không thể bị đảo ngược, nhưng chúng tạo nên sự khởi đầu và định hướng cho những quá trình và tiến trình diễn biến trong tương lai. Cách tiếp cận của ông Abe về sửa đổi Hiến pháp hiện hành và về tiến hành những cuộc cải cách chính trị xã hội nội bộ, kinh tế...... còn chi phối hoạt động chính trị và đời sống kinh tế, xã hội ở Nhật Bản trong thời gian tới.
Định vị lại đất nước
Cuối cùng phải kể đến việc ông Abe định vị lại nước Nhật Bản trong thế giới hiện tại và định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại cũng như kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các đối tác trên thế giới, đương nhiên trong đó quan trọng nhất là với Mỹ, với các nước láng giềng trong khu vực Đông Bắc Á, với khu vực Đông Nam Á và Nam Á cũng như với Australia.
Ông Abe đã tăng cường được vai trò và ảnh hưởng chính trị khu vực, châu lục và thế giới cho Nhật Bản, khôn khéo xử lý những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong mối quan hệ song phương của Nhật Bản với Mỹ và Trung Quốcđồng thời không để bị thất thế trong quan hệ với hai đối tác quan trọng này. Ông Abe đã cải thiện được vị trí của Nhật Bản trong chính sách của các đối tác khác trên thế giới đối với Nhật Bản.
Ông Abe rời bỏ quyền lực khi trong nội bộ đảng cầm quyền chưa có sự đồng thuận quan điểm về nhân sự kế nhiệm. Đảng của ông Abe phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này để có thể lại thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử tới và để người mới có được sự hậu thuẫn chính trị đủ mức cho việc mở ra thời kỳ cầm quyền mới cho riêng mình và cho đảng này ở Nhật Bản.