📞

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo viên phải là người truyền cảm hứng, tôn trọng sự khác biệt, năng khiếu của mỗi học sinh

Nguyệt Anh 16:00 | 19/11/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực. Giáo viên phải là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mỗi giáo viên phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả. (Nguồn: MOET)

Sáng nay (19/11), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và 400 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,6 triệu nhà giáo trong cả nước đã dự lễ.

Tri ân những cống hiến thầm lặng, bền bỉ của giáo viên cả nước

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam.

Theo Thủ tướng, chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy, một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới.

Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhiều năm liền Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN.

Hơn hai năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần "tạm dừng đến trường, không dừng việc học"; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.

"Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh", Thủ tướng nói.

"Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu"

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả. Đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm.

Đồng thời, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực. Giáo viên phải là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của đất nước.

Thủ tướng mong rằng, các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt, có cách tiếp cận mới trong dạy và học.

Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên với tinh thần "yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu".

Đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình "Trường học An toàn - Thân thiện - Bình đẳng", phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò, với phụ huynh học sinh.

Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật kỷ cương...

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. (Nguồn: MOET)

Sớm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục-đào tạo, nhất là Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với tinh thần đất nước và cân đối chung với các ngành nghề khác.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà giáo là chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong thời gian tới. Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai tự chủ giáo dục theo lộ trình nhưng vẫn phải bảo đảm để tất mọi người đều có quyền tiếp cận với nền giáo dục ưu việt của nước nhà, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tích cực đổi mới sáng tạo.

Thực hiện quản trị trường học theo hướng hiện đại, thông minh. Phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong xây dựng và phát triển nhà trường. Chú ý đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng môi trường văn hóa, phòng chống bạo lực học đường.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức. Đồng thời, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Em Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội. (Nguồn: MOET)

Biết ơn những hy sinh, cống hiến của thầy cô

Đại diện cho các nhà giáo tiêu biểu, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ những cảm xúc của mình.

Cô Thúy cho biết, đến thời điểm này, sau chặng đường 32 năm nhìn lại, cá nhân cô luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Đặc biệt, nghề dạy học thậm chí ngày càng trở lên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Bởi theo cô Thúy, nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo với ba mươi năm tuổi nghề, thậm chí 50-60 năm tuổi đời không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm công nghệ thông dụng như hiện nay. Chẳng hạn, chỉ với một cụm từ khóa nhất định, trong vòng 0,42 giây, Google đã cho chúng ta khoảng 60 triệu kết quả.

Cô Thúy đặt câu hỏi: "Điều gì đã khiến cho nghề dạy học không thể biến mất và vai trò của người thầy không thể bị thay thế dù công nghệ phát triển đến đâu?".

Cô Thúy cho rằng, có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học.

Chia sẻ tại buổi lễ, em Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) tại thành phố Oslo (Na Uy) đã thể hiện lòng biết ơn đối với sự cống hiến của thầy, cô giáo.

Em Hưng chia sẻ: “Tấm huy chương kèm theo giấy chứng nhận là tên của con, nhưng con hiểu sâu sắc rằng, thành tích này không phải là của riêng mình. Đằng sau tấm huy chương nhỏ là biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết của rất nhiều thầy, cô giáo. Đây không chỉ là kết quả của thời gian ôn tập trước khi thi, hay của năm lớp 10, lớp 11. Đó là phép cộng qua bao năm tháng, từ công sức ngày đêm, sự nỗ lực miệt mài, những hy sinh, cống hiến thầm lặng, từng trang sách, từng trang giáo án của rất nhiều thầy cô giáo dày công vun đắp để con có được những bài học quý giá. Chúng con biết ơn những hy sinh, những cống hiến của các thầy, cô giáo để chúng con có được ngày hôm nay".

Em Hưng cũng cho rằng, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, học sinh cũng đứng trước những thử thách lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh, mạnh, hội nhập sâu rộng trên toàn cầu đang là điều kiện thuận lợi nhưng cũng mang đến nhiều thách thức.

"Không gian mạng rộng mở tràn ngập thông tin bổ ích nhưng cũng có rất nhiều cạm bẫy. Điều này đòi hỏi chúng con phải có hiểu biết toàn diện hơn, có bản lĩnh để nỗ lực vượt qua chính mình, vượt qua những cám dỗ, ích kỷ, không tự mãn với những gì mình có, biết mình nhỏ bé trong biển kiến thức bao la để không ngừng học hỏi, vươn lên…", em Phạm Việt Hưng tâm sự.

Để vượt qua được những thách thức đó, Hưng cho rằng luôn có thầy cô là điểm tựa, là chỗ dựa dạy dỗ về đạo đức, sự trung thực, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tính trách nhiệm xã hội, lòng nhân ái, tình yêu thương và lòng yêu nước.