Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cuối tháng này?
Tôi cho rằng, quan hệ giữa Brazil và Việt Nam rất nhiều triển vọng mặc dù khoảng cách giữa hai nước khá xa nhau về địa lý. Tôi nhớ rằng Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva (đang đảm nhiệm nhiệm kỳ Tổng thống thứ thứ ba của Brazil) đã từng đến thăm Việt Nam và tôi nghĩ Ngài Tổng thống có thể sẽ sớm quay lại Việt Nam lần nữa.
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã nhận được lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao và tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để Tổng thống Brazil tới thăm Việt Nam.
Brazil và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện với nền tảng là mối quan hệ cân bằng và tôn trọng lẫn nhau. Mới đây, Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5 vừa qua. Nhân cơ hội này, Tổng thống Lula da Silva đã mời Thủ tướng tới thăm Brazil.
Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi chờ đợi chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tuần cuối cùng của tháng này. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Brazil là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới?
Cán cân thương mại giữa hai nước vào khoảng 7 tỷ USD, tuy vậy, vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn cần được khai phá trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh và quốc phòng. Brazil là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 9 hoặc thứ 10 trên thế giới về quy mô nền kinh tế.
Sự hiện diện hàng xuất khẩu của Brazil sang các nước Đông Nam Á có thể được minh chứng bằng tăng trưởng thương mại giữa Brazil với khu vực (từ 15,1 tỷ USD đã tăng lên 28,9 tỷ USD). Chỉ trong nửa đầu năm 2022, thương mại của Brazil với ASEAN đã tăng 91%, đạt 17 tỷ USD.
Năm 2022, Brazil trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN nhờ sự hỗ trợ quý báu của Việt Nam. Tôi nhân cơ hội này để nhắc lại lòng biết ơn của chúng tôi đối với Chính phủ Việt Nam.
Brazil lạc quan về sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể trở thành nước có thu nhập trung bình trong 10 năm tới. Brazil có 220 triệu dân - dân số đông. Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc. Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác.
Có một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác mà tôi nghĩ rất triển vọng là năng lượng tái tạo. Ở Brazil, 90% điện năng được tạo ra từ năng lượng tái tạo và đó là điều chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam và có thể giúp Việt Nam giảm lượng khí thải trong tương lai.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani chia sẻ về quan hệ hai nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nói đến năng lượng sạch, rõ ràng tăng trưởng xanh, bền vững là định hướng phát triển đang được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam và Brazil. Theo Đại sứ, hai bên có thể hợp tác ra sao trong lĩnh vực này?
Brazil là một ví dụ điển hình về phát triển nền kinh tế xanh. Như đã nói ở trên, khoảng 90% năng lượng của Brazil ngày nay là năng lượng tái tạo. Rõ ràng thành quả này là một nguồn cảm hứng và hy vọng thực sự cho cả thế giới.
Việc chuyển đổi năng lượng là cấp thiết, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế đã đưa ra – giảm lượng phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Việc sử dụng ethanol bắt đầu được phát triển ở Brazil khoảng 50 năm trước, khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên xảy ra, do đó, Brazil hiện có chương trình khử cacbon lớn nhất và hoàn thiện nhất trên thế giới. 93 % ô tô sản xuất ở Brazil ngày nay được cung cấp năng lượng bằng nhiên liệu xanh và tái tạo.
Như vậy, chúng ta có thể chia sẻ hầu hết các kinh nghiệm này với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ethanol để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kinh tế xanh là bài toán đối với mọi quốc gia và cũng là cam kết mà mỗi quốc gia đang thực hiện.
Trọng tâm hợp tác giáo dục, đặc biệt là đào tạo ngôn ngữ Bồ Đào Nha giữa hai nước đang được triển khai như thế nào, thưa Đại sứ?
Chúng tôi đã ra mắt cuốn từ điển Bồ Đào Nha-Việt Nam đầu tiên do hội hữu nghị Brazil-Việt Nam thực hiện. Đó là một cột mốc quan trọng trong hợp tác giáo dục.
Chúng tôichiện đang có kế hoạch ký Biên bản ghi nhớ giữa Đại học Hà Nội với một trường đại học ở Brazil nhằm hỗ trợ sinh viên Đại học Hà Nội nâng cao trình độ tiếng Bồ Đào Nha.
Các sinh viên này cũng sẽ được hỗ trợ theo học các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ bằng tiếng Bồ Đào Nha. Hai nước đã sẵn sàng ký kết thỏa thuận này và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.
Tôi cho rằng, chúng ta phải tập trung nỗ lực đổi mới trong giáo dục, trong chuyển đổi kỹ thuật số, khoa học và công nghệ.
Năm 2024 sẽ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil. Xin Đại sứ chia sẻ một số sự kiện văn hóa để kỷ niệm sự kiện quan trọng này?
Vừa qua, một nghệ sĩ dương cầm từ Brazil đã đến biểu diễn tại Hà Nội và chúng tôi đang có kế hoạch đón thêm những nghệ sĩ khác từ Brazil vào năm tới nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao.
Tôi cũng được biết, phía Việt Nam đang lên kế hoạch cho một số hoạt động văn hóa ở Brazil.
Gần đây tôi đã đến Đà Nẵng và có cuộc cuộc gặp với Chủ tịch UBND thành phố. Phía Đà Nẵng mong muốn mời một số ngôi sao bóng đá, những người nổi tiếng từ Brazil đến thăm và thi đấu tại Đà Nẵng, cũng như một số vùng miền trên khắp Việt Nam, nói chuyện tại các trường học về thể thao, giáo dục, xây dựng nhân cách và cả tương lai với trẻ em.
Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước ở cả cấp độ song phương và đa phương trong thời gian tới?
Việt Nam và Brazil có nhiều triển vọng hợp tác về thương mại, du lịch, nông nghiệp, năng lượng và giáo dục. Tôi hy vọng hai nước sẽ có thêm sự liên kết, đối thoại chính trị.
Cả hai nước đều nằm ở phía Nam Bán cầu, cùng có chung những khát vọng và đều là những nước đi đầu, có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Vì vậy, điều quan trọng là hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Brazil gặp nhau và bắt đầu đối thoại về những vấn đề này.
Trên phạm vi quốc tế, Brazil vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ- Mercosur. Với vai trò này, Brazil sẽ nỗ lực tăng cường đối thoại nội khối, nhằm mở rộng thương mại tự do giữa các thị trường khu vực.
Hiệp định thương mại tự do giữa Mercosur và Việt Nam là mục tiêu của cả hai bên. Tổng thống Lula đã tuyên bố rằng ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo khác trong khối Mercosur để đẩy nhanh thỏa thuận với Việt Nam.
Bắt đầu từ năm tới, Brazil sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch G20. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phối hợp giữa các thành viên nhằm bảo vệ một cộng đồng quốc tế công bằng, bền vững và hòa bình hơn.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
| Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 26 Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tin tưởng các cuộc thảo luận sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hội nhập, tăng ... |
| Đoàn đại biểu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thăm và làm việc tại Brazil Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Brazil, các đại diện phía Brazil hoan nghênh chuyến thăm làm việc của Đoàn đại ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tham gia hội chợ văn hóa và ẩm thực các nước châu Á-châu Đại Dương năm 2023 Hội chợ là cơ hội tốt để quảng bá sự đa dạng văn hoá của các nước châu Á-châu Đại Dương nói chung và hình ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác lâu dài của Brazil ở khu vực ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có chuyến công tác dài ngày tại Liên hợp quốc, hoạt động song phương tại Hoa Kỳ ... |