|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5, Đại sứ kỳ vọng như thế nào về chuyến thăm kéo dài 1 tuần lễ này? Đây là chuyến đi quan trọng, mang cả ý nghĩa đa phương và song phương, tức là quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và cả quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, rồi về hoà bình, hợp tác, phát triển và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực. Tôi rất trông đợi vào thành công và các kết quả mang ý nghĩa vừa thiết thực vừa chiến lược của chuyến thăm, trên cả hai góc độ này. Về quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, chắc chắn có mấy việc quan trọng mà hai bên cần và sẽ tập trung như tăng cường hơn nữa quan hệ; hợp tác các mặt, trong đó có xây dựng cộng đồng ASEAN; hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN; ứng phó với các thách thức, trong đó có cả về dịch bệnh, phục hồi, biến đổi khí hậu, hay về vấn đề Biển Đông, Myanmar. Năm 2022 cũng là dịp kỷ niệm 45 năm đối tác ASEAN-Hoa Kỳ, do vậy, cũng trông đợi hai bên sẽ bàn và nâng cao hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược, như thành Đối tác chiến lược toàn diện. Về song phương, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang có đà phát triển mạnh mẽ. Dịp chuyến thăm, chắc chắn quan hệ này sẽ càng được tăng cường hơn nữa. Lãnh đạo hai bên đều coi trọng và khẳng định mong muốn làm cho quan hệ sâu sắc, hiệu quả thực chất và nâng lên tầm mới. Phía Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng. Dự kiến, nhân dịp này, hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ, cả về song phương và về các vấn đề khu vực, quốc tế. Theo đó, trông đợi sẽ có các sáng kiến, kế hoạch hợp tác được đề ra, như về tiếp tục hỗ trợ vaccine, mở cửa, phục hồi kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng bền vững, cũng như về thương mại, công nghệ, kinh tế xanh. Việt Nam và ASEAN cũng sẽ trông đợi những dự án hợp tác thiết thực từ phía Mỹ với khu vực, trong đó có sáng kiến Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhìn lại, Đại sứ có thể chia sẻ những suy nghĩ về hành trình hòa giải hơn 25 năm của mối quan hệ đặc biệt từ cựu thù trở thành bè bạn, đối tác của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ? Nếu nhìn lại hơn 25 năm qua của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, rõ ràng ai cũng thấy được câu chuyện từ một cựu thù trở thành đối tác toàn diện, hợp tác với nhau trên tất cả các mặt là một hành trình kỳ diệu. Tuy nhiên đằng sau đó là những nỗ lực không mỏi mệt của các bên. Về điều này, tôi muốn nhấn mạnh một vài điểm. Thứ nhất, đó là vượt qua nỗi đau từ cuộc chiến. Chiến tranh đã gây ra rất nhiều đau thương cho Việt Nam. Ngay trong lòng Hoa Kỳ cũng có những nỗi đau riêng. Đó là điều không dễ khỏa lấp, hàn gắn trong một sớm một chiều. Việt Nam đã đưa ra định hướng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Quá trình này, cũng không hề dễ dàng thực hiện trong những ngày đầu, đã giúp hai nước từng bước và ngày càng hợp tác trong khắc phục các hậu quả chiến tranh, từ việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích, tới hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như bom mìn, chất độc màu da cam, tẩy độc môi trường, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng ở Việt Nam,… Theo đó, hai nước đã dám vượt qua quá khứ để hướng tới tương lai, trong khi vẫn nhìn nhận trách nhiệm hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Thứ hai, là về các nỗ lực rất đáng ghi nhận để thúc đẩy hiểu biết và xây dựng lòng tin. Vốn là cựu thủ từ hai phía của một cuộc chiến tranh khốc liệt và đầy mất mát, rồi lại có các chế độ chính trị-xã hội khác nhau, thì hiểu biết và xây dựng lòng tin đã phải trải qua cả một quá trình. Đây cũng chính là cơ sở để từ đó hai bên hợp tác, thu hẹp khác biệt và ngày càng nhân lên nhiều hơn các lợi ích song trùng; làm sâu sắc thêm các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, trong đó có việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Thứ ba, là việc từng bước hình thành khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài. Đó là quá trình hai bên từng bước tăng cường hợp tác, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, đến khoa học-công nghệ, quốc phòng, khu vực và quốc tế… mỗi bước đi đều để lại những dấu ấn đậm nét trong quan hệ. Đơn cử, như việc đạt hiệp định thương mại song phương (BTA), hay thỏa thuận về việc Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vừa gắn với quan hệ hai nước, cũng vừa gắn với phát triển, hội nhập của Việt Nam. Năm 2013, hai nước thiết lập Đối tác toàn diện, với 9 trụ cột, lĩnh vực ưu tiên. Đây là lần đầu tiên hai nước xác lập một khuôn khổ quan hệ hợp tác ổn định lâu dài. Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên thăm Hoa Kỳ và hai nước đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ, vừa làm sâu đậm thêm khuôn khổ Đối tác toàn diện vừa đề ra những định hướng lớn cho tương lai, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước, mà một trong những nguyên tắc quan trọng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Thứ tư, là sự phát triển vượt bậc trong hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong hơn 25 năm qua, phù hợp với lợi ích của mỗi nước cũng như của cả 2 bên; phù hợp với hòa bình, ổn định và phát triển ở cả khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Có thể kể đến việc hợp tác giữa hai nước trong phòng chống dịch Covid-19, vaccine, trong ASEAN hay Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an,…
|
Câu chuyện về hòa giải, xây dựng lòng tin giữa hai nước đã được đề cập rất nhiều, giới hạn và rào cản lớn nhất có lẽ không còn tồn tại, theo Đại sứ, để hai nước đạt được những cột mốc cao hơn nữa trong quan hệ song phương, đâu là yếu tố quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại? Như trao đổi ở trên, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ như độc lập chủ quyền, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi,… Đó chính là nền tảng tạo đà để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa. Cũng xin nêu lại, rõ ràng, chúng ta có cơ sở và cơ hội để nâng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao hơn nữa. Nếu nhìn từ chủ trương, tương quan chung quan hệ với các nước và lợi ích của Việt Nam, thì rõ ràng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cần phải được nâng lên tầm mới, và mối quan hệ này còn nhiều không gian để phát triển hơn nữa, vì lợi ích của mỗi nước, cũng như với chung khu vực, thế giới. Nói ngắn gọn, và cũng là điều trăn trở từ lâu, đó là cần sớm định danh đối tác chiến lược cho mối quan hệ này. Có lẽ, với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, sắp tới cần mấy việc. Một là, hai bên cần đặt ra một lộ trình để bàn bạc và sớm định danh tương xứng với tầm quan hệ đã ở mức chiến lược và ngày càng phát triển. Hai là, việc làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích và chủ trương của Việt Nam, xuất phát từ lợi ích của Việt Nam. Ba là, trên thực tế, quan hệ hai bên, trong hơn 25 năm qua, đã và đang tiếp tục đà phát triển, trên cơ sở cùng có lợi và hai bên cùng mong muốn nâng quan hệ lên tầm mới. Sắp tới sẽ có một loạt các dịp kỷ niệm, trong ba năm liên tiếp, cũng là những dấu mốc quan trọng của quan hệ. Đó là các kỷ niệm: 10 năm Đối tác toàn diện vào năm 2023, 30 năm bình thường hóa quan hệ về kinh tế vào năm 2024, 30 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Đó vừa là những dấu mốc biểu trưng vừa là dịp để hai nước nhìn lại và định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới, ở một tầm cao hơn. Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry hay cựu Đại sứ Ted Osius… Về phía Việt Nam có nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng, các đại sứ về sau trong đó có bản thân Đại sứ… Đây là thế hệ ngoại giao kỳ cựu của hai phía luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng làm nên những điều kỳ diệu trong quan hệ hai nước. Theo Đại sứ, thế hệ ngoại giao hiện tại cần “tiếp lửa” khao khát ấy như thế nào? Cái đáng chú ý nhất, đó là, trong mối quan hệ đặc thù này, từ cựu thù đến thành đối tác, thì đã có những nhân vật điển hình như vậy, góp phần vào vào hoà giải, hàn gắn và thúc đẩy quan hệ. Cũng cần nói thêm về rất nhiều những người đã hoặc chưa được điểm tên trong các nỗ lực này, như các cựu binh, các gia đình, người dân, cả từ hai phía. Rất nhiều người, nhiều hoạt động đã trở thành biểu tượng của quan hệ. Vậy, điều cần thấy ở đây, là ai làm ngoại giao, thì đương nhiên cũng đứng từ góc độ lợi ích, lập trường của quốc gia. Nhưng, ở đây cũng còn là tầm nhìn và khả năng tư vấn, thuyết phục cả bên trong và bên ngoài, tư vấn chính sách với trong nước, rồi bàn FTA bên ngoài, thu hẹp khác biệt, làm cầu nối xây dựng hiểu biết và lòng tin, thúc đẩy quan hệ ra sao, giữa hai bên. Còn sắp tới, đối ngoại có nhiều cái mới, như đã nêu ở trên. Là nhà ngoại giao, vào lúc này, càng cần phải soi vào lợi ích quốc gia dân tộc, đặt trong bối cảnh mới, vị thế, khát vọng mới. Phải rất sâu sắc, phải thấm, về tình yêu đất nước, về vị thế và khát vọng dân tộc! Điều này sẽ soi rọi vào mỗi người, trong cả tư duy và hành động, trước đây cũng như sắp tới, với các thế hệ các nhà ngoại giao. Lớp trẻ sắp tới càng cần tiếp nối, phát huy hơn nữa. Cũng đã có nhiều bài học ngoại giao, của dân tộc, của các thế hệ đi trước, đã đúc rút nên, vẫn giữ nguyên giá trị, như về độc lập, tự chủ, hoà hiếu, dĩ bất biến ứng vạn biến. Rồi các chủ trương mới, như về đa dạng hóa, đa phương hóa, đối tác tin cậy, hội nhập toàn diện và sâu rộng, ngoại giao tiên phong, bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa, tạo môi trường tốt nhất cho đất nước, cả về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế. Mỗi người làm đối ngoại, dù việc lớn hay nhỏ, đều phải luôn nhận thức rằng mình đại diện cho đất nước, quốc gia, dân tộc. Mỗi người đều phải rèn cả tâm và trí! Trân trọng cảm ơn Đại sứ! Thực hiện: Hà Phương Thiết kế: Hồng Nga Nguồn ảnh: Nguyễn Hồng, TTXVN, Reuters… |