Thủ tướng yêu cầu chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu. |
Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu của Thủ tướng gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được phòng bằng vaccine, điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn.
Một là, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vaccine, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh;
Hai là, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời.
Bảo đảm hậu cần, thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 4 tại chỗ
Đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo: Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời;
Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp;
Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân;
Bảo đảm hậu cần, thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 4 tại chỗ;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; thông tin đầy đủ, trung thực về tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
* Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).
Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn.
Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.
Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.