Chính quyền của Tổng thống Biden rõ ràng đã tạo được thiện chí và kỳ vọng cao giữa các nước ASEAN. (Nguồn: Twitter) |
Báo cáo vừa được công bố trên trang mạng East Asia Forum ngày 1/4 phản ánh mong muốn và kỳ vọng của người dân Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Thiện cảm với Mỹ nhiều hơn
Báo cáo chỉ ra niềm tin chung rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden sẽ tương tự như chính sách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, do ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới quyền ông Obama.
Tuy nhiên, Mỹ hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tái tham gia và củng cố các liên minh, đặc biệt là cải thiện quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Chính quyền Obama từng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi ngoại giao là công cụ chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ; tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết các thách thức chung và đặc biệt quan tâm chú trọng đến khu vực ASEAN.
Tin liên quan |
Bầu cử Mỹ: Đông Nam Á muốn ai làm Tổng thống Mỹ? |
Dù vậy, những chính sách này phần lớn đã thay đổi dưới chính quyền của Tổng thống Trump.
Cũng theo bài viết trên trang East Asia Forum, ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực đã thúc đẩy chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama hướng tới tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Đông Nam Á và quan tâm hơn đến khu vực ASEAN.
Sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2016, ông Biden từng viết rằng, chính quyền Tổng thống Trump cần tiếp tục quan hệ với ASEAN để thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vun đắp mối quan hệ với Trung Quốc - nơi cạnh tranh và hợp tác có thể cùng tồn tại.
Bài viết đã chỉ ra những dẫn chứng cho thấy chính quyền Trump đã không xem trọng quan hệ với ASEAN, điển hình là việc ông thường xuyên vắng mặt tại các hội nghị cấp cao liên quan của ASEAN, khiến lòng tin về việc Mỹ với tư cách là một Đối tác chiến lược đáng tin cậy của các nước Đông Nam Á bị suy giảm.
Năm 2020, Báo cáo Khảo sát Tình trạng Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusok Ishak cho thấy, phần lớn những người được khảo sát ít hoặc không tỏ ra tin tưởng Mỹ như một Đối tác chiến lược đáng tin cậy.
So với chính quyền Obama, 77% số người được hỏi cho rằng sự tham gia của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á suy giảm dưới thời Tổng thống Trump. Mặc dù vậy, 60,3% số người được hỏi tin tưởng tình hình có thể được cải thiện dưới chính quyền mới của Tổng thống Biden.
Năm 2021, cuộc khảo sát tương tự của Viện ISEAS-Yusok Ishak - được công bố ngay sau khi ông Biden nhậm chức - cũng cho thấy sự thiện cảm hơn nhiều đối với Mỹ.
Có 68,6% số người được hỏi dự đoán rằng sự tham gia của Mỹ trong khu vực ASEAN sẽ gia tăng dưới thời Tổng thống Biden. Hơn 55,4% coi Mỹ là Đối tác chiến lược đáng tin cậy và là đối tác an ninh khu vực.
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, quan điểm xuyên suốt của ASEAN là không đứng về bên nào, tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN trước các sức ép từ bên ngoài.
Các cuộc khảo sát của ISEAS cũng cho thấy, Trung Quốc được đánh giá là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất đối với 70–80% số người được hỏi tại ASEAN. Trung Quốc cũng được coi là cường quốc chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, mặc dù mức độ phổ biến của quan điểm này giảm từ 52,2% năm 2020 xuống 49,1% năm 2021. Nhận thức về ảnh hưởng của Mỹ đã tăng từ 26,7% năm 2020 lên 30,4% trong năm 2021.
Những kỳ vọng vào chính quyền Biden
Chính quyền của Tổng thống Biden rõ ràng đã tạo được thiện chí và kỳ vọng cao giữa các nước ASEAN.
Trong bối cảnh sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông thì các nước ASEAN đều hoan nghênh một chính sách gắn bó hơn của Mỹ trong khu vực.
Các nước ASEAN muốn nhận đầu tư của Mỹ nhiều hơn. Tuy nhiên, Mỹ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc trong việc cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN.
Theo số liệu từ Hội đồng Đầu tư Indonesia, Trung Quốc hiện là quốc gia "rót" vốn FDI nhiều thứ hai tại Indonesia trong năm 2019 với số vốn lên tới 4,74 tỷ USD, trong khi Mỹ đứng thứ 8 với 989,3 triệu USD.
Tin liên quan |
Học giả Mỹ: Tổng thống Joe Biden sẽ gây áp lực tối đa với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông |
Đa số các quốc gia thành viên ASEAN sẽ ủng hộ sự hợp tác lớn hơn của Mỹ, đặc biệt trong việc giúp khôi phục nền dân chủ ở Myanmar sau cuộc chính biến quân sự gần đây và ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở Myanmar gây bất ổn thêm cho khu vực.
Bên cạnh những kỳ vọng lớn, cũng có một số hoài nghi hướng tới nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
Mỹ hiện phải đối mặt với nhiều thách thức trên mặt trận đối nội, đặc biệt là các tác động kinh tế và sức khỏe cộng đồng của đại dịch Covid-19 và sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội Mỹ. Những thách thức này có thể làm giảm niềm tin của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Cũng có những lo ngại rằng, giống như thời chính quyền Obama, và không giống như cựu Tổng thống Trump, Tổng thống Joe Biden sẽ hạn chế số lượng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông - điều có thể khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự thay đổi thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ chính quyền này sang chính quyền khác - gây ấn tượng mạnh mẽ về sự khó đoán và thiếu tin cậy của Mỹ trong thời gian dài.