Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguno Lăng Cô. (Nguồn: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Thừa Thiên Huế sở hữu vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông đường bộ khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của quốc gia, kết nối với hệ thống cảng nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài; là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối Myanmar, Thái Lan, Lào với Biển Đông.
Vượt lên thách thức, đồng hành cùng doanh nghiệp
Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; đạt và vượt kế hoạch 14/14 chỉ tiêu chủ yếu. GRDP bình quân đầu người đạt 2.429 USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,23 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, với tất cả các khoản, mục thu đều tăng.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư cho phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án, công trình quan trọng được khởi công như: Trung tâm Thương mại Aeon Mall, với số vốn đăng ký 169,67 triệu USD; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Gilimex; dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn hai; dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An… Nhiều dự án đã dược tập trung đẩy nhanh tiến độ, đi vào vận hành như Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Cao tốc Cam Lộ - La Sơn...
Năm 2022, chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 6 toàn quốc; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ năm toàn quốc; chuyển đổi số (DTI) giữ vị trí thứ hai toàn quốc; xếp thứ nhất toàn quốc về hoạt động chính quyền số. Đồng thời, tỉnh cũng vinh dự đạt danh hiệu thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Về thu hút đầu tư FDI, trong sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho năm dự án đầu tư nước ngoài (trong các KCN và khu kinh tế (KKT) Chân Mây Lăng Cô) với tổng vốn đăng ký 40,25 triệu USD, tương đương 925,75 tỷ đồng. Luỹ tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 119 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 484,6 triệu USD. Trong sáu tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI là 1.440 tỷ đồng, tương đương 62,6 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Hiện Thừa Thiên Huế đẩy mạnh, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch; hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng các khu chức năng thuộc KKT Chân Mây – Lăng Cô; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á…
Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. (Nguồn: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Điểm đến của các nhà đầu tư ASEAN
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, Thừa Thiên Huế chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ các nước, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến khu vực ASEAN. Singapore và Thái Lan hiện là hai nhà đầu tư lớn nhất.
Trên địa bàn tỉnh đang có 11 dự án của nhà đầu tư Thái Lan đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 161,5 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản (Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh nhà máy tại Huế); sản xuất điện năng lượng mặt trời (Công ty CP Đoàn Sơn Thủy); nhà máy chế biến gỗ dăm và vườn ươm cây lâm nghiệp (Công ty TNHH Shaiyo AA Việt Nam).
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Thừa Thiên Huế dự kiến đẩy mạnh hợp tác về kết nối các điểm du lịch của mỗi bên thông qua quảng bá điểm đến, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành phối hợp xây dựng các tour tuyến đến mỗi nước và xúc tiến mở đường bay thẳng nối các trung tâm của Thái Lan đến với Thừa Thiên Huế và đường bộ thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của hai bên về các lĩnh vực: công nghiệp, du lịch, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan và khu đô thị, đầu tư và khai thác cảng biển, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực: dệt may, điện tử, ô tô ... phát triển đô thị xanh, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững.
Hiện trên địa bàn tỉnh có bốn nhà đầu tư Singapore đã được cấp phép hoạt động với tổng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD, trong đó có một dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh là Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô (quy mô khoảng 280 ha – tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD). Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Singapore vào các lĩnh vực như hạ tầng KCN, KKT; hạ tầng cảng biển và phát triển dịch vụ Logistic tại cảng Chân Mây; các dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh.
Tỉnh mong muốn đẩy mạnh kết nối đường bay giữa Huế và Singapore để phát triển du lịch; Hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch: Tổ chức các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch để kết nối tour tuyến, xây dựng sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế đối với thị trường khách Singapore…; Tổ chức phát triển nguồn nhân lực du lịch: Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong ngành du lịch theo quy chuẩn của mỗi nước và hướng đến tiêu chuẩn của ASEAN…
Với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, thân thiện Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư ASEAN đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
| Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp và đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững của Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á Sáng 26/10, trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2023, Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát ... |
| Khu Công nghiệp Thăng Long: Điểm đến của nhà đầu tư phát triển bền vững Khu công nghiệp Thăng Long (KCN Thăng Long) là điển hình trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Hà Nội với sự tiên phong ... |
| Đắk Lắk 'bến đỗ' của dòng vốn FDI từ Nhật Bản Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng đất Tây Nguyên, với địa hình đồi núi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và ... |
| Cảnh sát biển hỗ trợ nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to, gây ngập lụt tại nhiều địa phương. Trước tình hình trên, Bộ ... |
| 'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, ... |