Khu vực cảng Chân Mây - nhìn từ trên cao. (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế) |
20 năm xây dựng và phát triển
Cảng Chân Mây bắt đầu khởi công xây dựng vào ngày 25/3/2001. Sau hơn 2 năm khẩn trương thi công, vào ngày 19/5/2003, công trình Bến số 1 - cảng Chân Mây được Cục Hàng hải Việt Nam công bố hoàn thành và cho phép đón tàu biển trong và ngoài nước có trọng tải lên đến 30.000DWT.
Trải qua 20 năm hình thành phát triển, mô hình công ty có những thay đổi từ mô hình hoạt động Ban quản lý dự án giai đoạn 2003; sau đó chuyển sang mô hình hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính giai đoạn 2006; tiếp theo sang mô hình hoạt động Công ty TNHH một thành viên giai đoạn 2007 và từ năm 2016 đến nay là mô hình hoạt động công ty cổ phần trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.
Tin liên quan |
Thừa Thiên Huế hiện thực hóa tiềm năng cảng Chân Mây |
Qua 20 năm đi vào hoạt động, từ khi còn là Ban quản lý dự dán Chân Mây - cơ quan chuyên môn của tỉnh Thừa Thiên Huế và đến nay hoạt động với mô hình doanh nghiệp, Công ty cổ phần cảng Chân Mây - trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy. Cảng Chân Mây đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Với những lợi thế và sự nhanh nhạy trong công tác điều hành hoạt động Cảng; Trong giai đoạn năm 2006-2007, Công ty đã kết nối và được Tập đoàn sản xuất quặng nhôm hàng đầu thế giới Alcan lựa chọn Cảng Chân Mây là nơi lắp ráp các môdul và cấu kiện siêu trường siêu trọng. Tiếp nối với thành công hợp tác quốc tế; trong năm 2012, cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á Royal Carribean lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.
Điều kiện khai thác các bến cảng Chân Mây những năm gần đây có nhiều thuận lợi. Đặc biệt kể từ năm 2020, Đê chắn sóng giai đoạn 01 được khánh thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng Chân Mây trong hoạt động tiếp nhận khai thác tàu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; đồng thời, với dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2 đã và đang được triển khai khi hoàn thành có tổng chiều dài hai giai đoạn là 750m sẽ tăng năng lực khai thác hàng hoá, năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Hoạt động liên kết vùng và các chuỗi cung ứng hành lang kinh tế Đông Tây đang dần hình thành và có xu thế phát triển mạnh trong thời gian đến. Trong năm 2022, lần đầu tiên đánh dấu một bước tiến mới trong việc xác định cảng Chân Mây là điểm đến gần nhất và thuận lợi nhất trong hành lang kinh tế Đông Tây. Điều này đã được các khách hàng, chủ hàng của nước bạn Lào lựa chọn Cảng Chân Mây làm nơi xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, việc mở tuyến container nội địa đã mở ra một chương mới trong quá trình hình thành vá phát triển Cảng Chân Mây.
HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đơn vị, doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container đi/đến cảng Chân Mây, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Theo đó, hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng. Mới đây, lần đầu tiên cảng Chân Mây đã đón chuyến tàu container quốc tế.
Với những kết quả nổi bật đó, cùng với sự tận tâm phục vụ khách hàng, cảng Chân Mây, sau 20 năm đi vào hoạt động đã tổ chức xếp dỡ hơn 34 triệu tấn hàng hóa với tổng doanh thu ước đạt 1.700 tỷ đồng, đón gần 1 triệu du khách quốc tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn và hiện đang phát huy hiệu quả đầu tư, các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn mạnh dạn tăng công suất và khởi động nhiều dự án mới.
Cảng Chân Mây có thể đón các tàu tải trọng lớn. (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế) |
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh
Trong quá trình phát triển, cảng Chân Mây luôn nhận được sự hợp tác, góp ý chân thành của các khách hàng, chủ hàng, chủ tàu...để hoàn thiện và phát triển nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đến nay, cảng Chân Mây đã vươn lên là 1 trong 10 cảng biển lớn nhất Việt Nam và trở thành địa điểm tin cậy của những con tàu du lịch quốc tế hiện đại như Celebrity, Millenium, Cliper, Odysey, Seven Sea Voyager, Nautica…
Với việc khai trương tuyến hàng container nội địa, các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển nhanh hơn nhờ tiết kiệm chi phí và thời gian trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ đó, vị trí của Thừa Thiên Huế trên thương trường quốc tế sẽ từng bước được nâng lên tầm cao mới.
Phát huy thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, thời gian tới, mỗi cán bộ công nhân viên cảng Chân Mây sẽ tiếp tục phát huy năng lực, đoàn kết một lòng; năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của cảng; đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của Tổng công ty; viết nên những trang sử vàng truyền thống của cảng Chân Mây; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngoài ra, để hòa chung với khát vọng, khí thế của cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng nỗ lực của chính mình cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của các thế hệ lãnh đạo; sự hỗ trợ của các Sở, Ban ngành, của Tổng công ty; sự hợp tác tốt đẹp của đối tác… cảng Chân Mây sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy tiềm năng thế mạnh trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistic của miền Trung và Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về phê duyệt định hướng quy hoạch đô thị mới Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. - Năm 1997, Chính phủ có văn bản về việc cho phép lập Dự án tiền khả thi cảng Chân Mây. - Năm 2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bến số 1 cảng Chân Mây. - Từ năm 2001 đến 2003, khởỉ công xây dựng và hoàn thành Bến số 1 cảng Chân Mây. Lễ khánh thành dược tổ chức long trọng vào tháng 5/2003. - Năm 2018 bắt đầu xây dựng Bến số 2 và đưa vào hoạt động vào 18/7/2021. - Ngày 25/12/2022 khai trương tuyến hàng container nội địa đầu tiên mở ra giai đoạn phát triển mới. - Từ 2005 đến 2015: Cảng Chân Mây trở thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam. - Đến 2015 được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Cảng Chân Mây chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi đầy đủ là Công ty cổ phần Cảng Chân Mây và duy trì tên gọi đó cho đến bây giờ. |
| Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy phương tiện giao thông điện, hướng đến phát triển xanh Ngày 26/10, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ ... |
| Thừa Thiên Huế: ‘Đất lành’ cho nhà đầu tư Thừa Thiên Huế đã và đang “chuyển động” mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
| Thừa Thiên Huế hướng tới trở thành trung tâm du lịch của châu Á Thừa Thiên Huế nỗ lực kết nối với các địa phương Việt Nam và quảng bá du lịch ra quốc tế ngay sau khi đại ... |
| Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Du lịch nông nghiệp đang là ngành mới, mang tiềm năng lớn, có thể trở thành cú bật thúc đẩy nền kinh tế địa phương ... |
| Quảng bá tiềm năng thế mạnh của địa phương Việt Nam tại Nhật Bản Các địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum, Thừa Thiên Huế đã tham dự chương trình quảng bá tại tỉnh Kanagawa và thủ đô ... |