Cảng Chân Mây. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Huỳnh Văn Toàn, Giám đốc Tổng công ty cổ phần cảng Chân Mây nhận định: “Cảng Chân Mây đã quen thuộc trên bản đồ hàng hải quốc tế. Do vậy cảng không chỉ là ‘chiếc đòn gánh’ trong chuỗi liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mà còn là ‘thỏi nam châm’ có sức hút lớn của khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Cảng biển nhiều tiềm năng
Cảng Chân Mây nằm trên địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Đây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc).
Chân Mây có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, sở hữu tiềm năng mở rộng, phát triển thành cảng biển hiện đại và là cửa ngõ chính ra Biển Đông của toàn khu vực. Với vị trí đắc địa và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, cảng có tiềm năng rất lớn trong việc vận tải biển, trung chuyển quốc tế.
Hiện nay, cảng Chân Mây có ba cầu cảng đang hoạt động, với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, cầu cảng bến số một, số hai được tiếp nhận tàu chở container. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2022 dự kiến đạt khoảng 5 triệu tấn.
Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định cho phép, đến năm 2030, khu bến Chân Mây được bổ sung thêm ba bến (bến số bốn, năm, sáu). Đồng thời, chấp thuận chủ trương bến bốn, năm khu bến Chân Mây được bổ sung công năng khai thác hàng container với tổng chiều dài 540m cho cỡ tàu đến 70.000 tấn.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều dự án mới đang trong giai đoạn triển khai, cùng với chủ trương phát triển hạ tầng tại cảng sẽ góp phần tạo đòn bẩy cho sự phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua địa bàn thời gian tới.
Cụ thể, dự án Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây của Công ty TNHH America Quazts Technology dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối quý I/2023.
Dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế lắp ráp các loại xe ô tô khách (Bus) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên, trong đó có hai sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30-45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi sẽ đưa vào hoạt động từ quý II/2023, góp phần tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Chân Mây.
Các hoạt động triển khai dự án các Khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Thừa Thiên Huế như KCN Phú Bài, Phong Điền và Chân Mây, hay KCN Nam Đông Hà và Quán Ngang tại Quảng Trị đang diễn ra khá sôi nổi.
Lãnh đạo UBND tỉnh nhận định: “Sự hình thành các KCN này sẽ tạo ra một lượng cầu rất lớn trong lĩnh vực vận tải biển. Kinh nghiệm của các cảng lớn trên thế giới cho thấy, yếu tố thúc đẩy và thành công là có KCN, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan… gần cảng.
Các cơ chế ưu đãi về thuế, khả năng thu hút hàng hóa sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn. Đây là một trong những cơ hội tốt cho cảng đầu tư mở rộng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập và trung chuyển, đáp ứng được những nhu cầu vận tải và cũng là điều kiện thuận lợi để xúc tiến mở tuyến vận tải hàng container qua cảng”.
Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng Chân Mây thuộc nhóm cảng biển số hai, loại I. Khu bến Chân Mây có thể tiếp nhận tàu container sức chở đến 4.000 TEU với chức năng phục vụ Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. |
Tạo tiền đề bứt phá
Để phát huy lợi thế và tiềm năng cảng này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Theo đó, hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container. Dự kiến, tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện khoảng hơn 18,3 tỷ đồng/năm.
Cảng Chân Mây lần đầu tiên đón chuyến tàu container quốc tế ngày 9/9. Đây là bước mở đầu quan trọng trong việc khai thác chức năng làm hàng container tại khu bến Chân Mây theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đặc biệt, vào ngày 7-8/10, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu làm hàng container tại cảng Chân Mây, với khoảng hơn 200 khách mời thuộc nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương và địa phương.
Hội nghị là cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; giới thiệu cơ hội đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực như khu công nghiệp, cảng biển, logistics, đặc biệt là tại cảng Chân Mây. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và hàng container gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu những tiềm năng, lợi thế của “trái tim” Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.
Nhờ các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp kể trên, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn có sự tăng trưởng đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây đạt 207.501.680 USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021 (141.209.778 USD), trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 159.099.230 USD tăng 47% (108.138.792 USD), kim ngạch nhập khẩu đạt 48.402.449 USD, tăng 46,3% (33.070.985 USD).
Chia sẻ về quan điểm xúc tiến, đầu tư của Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: “Tỉnh cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư khi đến Huế, với niềm tin xây dựng tỉnh trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Về cảng Chân Mây, tỉnh đã đưa các dự án đầu tư xây dựng khu hậu cảng, dự án dịch vụ vận tải logistics... trong Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích 40,1ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, góp phần đưa cảng Chân Mây phát triển, xứng tầm là cảng biển quốc tế với quy mô, dịch vụ hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho các hãng tàu, du khách và các nhà đầu tư.
Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành hỗ trợ của các cấp chính quyền và các giải pháp tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tin tưởng rằng, cảng Chân Mây sẽ hiện thực hóa tiềm năng, tạo tiền đề để bứt phá.
| Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26 Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết ... |
| Nhiều tiềm năng hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm chế biến sẵn Ngày 26/9, lễ khai mạc Hội chợ ngành thực phẩm chế biến sẵn và Hội nghị phát triển ngành thực phẩm chế biến sẵn ASEAN-Trung ... |
| Tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đan Mạch hiện nay là rất lớn Nhân dịp Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch sẽ được tổ chức vào ngày 5/9, Đại sứ Lương Thanh Nghị đã trả lời phỏng ... |
| ADB hỗ trợ Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế bền vững và bao trùm Ngày 17/8, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh ... |
| Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa Ngày 30/7, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Ủy viên ... |