Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah bắt đầu có hiệu lực ngày 27/11. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon bắt đầu có hiệu lực ngày 27/11 sau khi cả hai bên chấp nhận một thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian.
Ông Biden cho biết thỏa thuận này - mở đường cho việc chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng kể từ khi bùng phát hồi năm ngoái - được thiết kế để chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch.
Nội dung chính của thỏa thuận
Theo Reuters, thỏa thuận chưa được công bố chi tiết nhưng theo một nguồn tin chính trị cấp cao của Lebanon có liên quan trực tiếp đến vấn đề này, thỏa thuận do Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein làm trung gian dài 5 trang và bao gồm 13 mục. Sau đây là tóm tắt của Reuters về các điều khoản chính của thỏa thuận:
Dừng các hành động thù địch: Ông Biden thông báo rằng lệnh ngừng bắn bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương ngày 27/11. Nguồn tin cấp cao của Lebanon cho biết Israel dự kiến sẽ "dừng tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào chống lại lãnh thổ Lebanon, bao gồm cả các mục tiêu dân sự và quân sự, trên bộ, trên biển và trên không". Nguồn tin cho biết tất cả các nhóm vũ trang ở Lebanon - nghĩa là Hezbollah và các đồng minh của nhóm này - sẽ dừng các hoạt động chống lại Israel.
Israel rút quân: Hai quan chức Israel cho biết quân đội nước này sẽ rút khỏi miền Nam Lebanon trong vòng 60 ngày. Ông Biden cho biết quân đội sẽ rút dần và dân thường của hai bên có thể trở về nhà. Trước đó, giới chức Lebanon tiết lộ đã thúc đẩy Quân đội Israel rút quân càng nhanh càng tốt trong thời gian ngừng bắn. Phía Liban hiện mong đợi Quân đội Israel sẽ rút quân trong tháng đầu tiên.
Hezbollah rút về phía Bắc, quân đội Lebanon được triển khai: Lực lượng Hezbollah sẽ rời khỏi các vị trí ở miền Nam Lebanon để di chuyển về phía Bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30km về phía Bắc. Theo nguồn tin cấp cao Lebanon, hoạt động rút quân này sẽ không được công khai và các cơ sở quân sự của nhóm này "sẽ bị tháo dỡ". Trong khi đó, Quân đội Lebanon sẽ triển khai khoảng 5.000 binh sĩ đến phía Nam sông Litani, bao gồm 33 chốt dọc biên giới với Israel.
Cơ chế giám sát: Phó Chủ tịch Quốc hội Lebanon Elias Bou Saab nói với Reuters rằng một trong những điểm bế tắc trong những ngày cuối cùng đàm phán lệnh ngừng bắn là cách thức giám sát. Theo ông, cơ chế 3 bên hiện có giữa Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại miền Nam Lebanon (UNIFIL), Quân đội Lebanon và Quân đội Israel sẽ được mở rộng để bao gồm cả Mỹ và Pháp, trong đó Mỹ giữ vai trò chủ trì.
Các cuộc tấn công đơn phương của Israel: Các quan chức Israel khẳng định rằng Quân đội Israel sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Hezbollah nếu phát hiện các mối đe dọa đối với an ninh của nước này, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Hezbollah. Một quan chức Israel cho biết Israel sẽ sử dụng máy bay không người lái để theo dõi các hoạt động trên bộ ở Lebanon. Song các quan chức Lebanon nói rằng điều khoản này không có trong thỏa thuận mà họ đã đồng ý và Lebanon sẽ phản đối bất kỳ vi phạm nào đối với chủ quyền của nước này.
Hezbollah đã yếu hơn đáng kể
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Israel tập trung vào mối đe dọa từ Iran, bổ sung nguồn cung cấp vũ khí đã cạn kiệt và cho quân đội nghỉ ngơi, đồng thời cô lập Hamas. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ phối hợp toàn diện với Mỹ để duy trì quyền tự do hành động quân sự. Nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận hoặc cố gắng tái vũ trang, chúng tôi sẽ tấn công quyết liệt".
Theo ông Netanyahu, Hezbollah đã yếu hơn đáng kể so với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột.
"Chúng tôi đã khiến lực lượng này phải lùi lại nhiều thập kỷ, loại bỏ các nhà lãnh đạo cấp cao của họ, phá hủy hầu hết các tên lửa và rocket của họ, vô hiệu hóa hàng nghìn chiến binh và xóa sổ nhiều cơ sở hạ tầng", Thủ tướng Israel thông tin.
Một cuộc thăm dò do Kênh truyền hình 12 của Israel tiến hành gần đây cho thấy 37% người Israel ủng hộ lệnh ngừng bắn, so với 32% phản đối.
Những người phản đối thỏa thuận này ở Israel bao gồm các nhà lãnh đạo đối lập và người đứng đầu các thị trấn gần biên giới Israel với Lebanon bởi họ muốn có một vùng đệm ở bên phía biên giới của Lebanon.
Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir, một thành viên cánh hữu trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, cho biết: "Để có thể rút khỏi Lebanon, chúng ta phải có vành đai an ninh của riêng mình".
Bất chấp bước đột phá ngoại giao, các hoạt động thù địch vẫn tiếp diễn khi Israel tăng cường đáng kể chiến dịch không kích ở Beirut và các khu vực khác của Lebanon. Hezbollah được Iran hậu thuẫn cũng tiếp tục bắn tên lửa vào Israel. Quân đội Israel cho biết lực lượng không quân của nước này đã đánh chặn được 3 vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Lebanon vào tối 26/11, khiến còi cảnh báo vang lên ở khoảng 115 khu định cư.
Dấu hiệu tốt lành, thông điệp đến Hamas
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 27/11 đánh giá đây có thể là “tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột tại khu vực sau nhiều tháng leo thang.
“Tôi đã nhận được một dấu hiệu tốt lành, tôi muốn nói rằng đó là tia hy vọng đầu tiên về hòa bình mà tôi nhận được giữa bóng tối của vài tháng qua. Đó là thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến Lebanon và là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với thường dân, những người dân đang phải trả giá rất đắt cho thực tế là cuộc xung đột này không chỉ kéo dài mà còn ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn”, Tống thư ký Guterres nói.
Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Lebanon, Jeanine Hennis-Plasschaert hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, khen ngợi các bên tham gia thỏa thuận "đã nắm bắt cơ hội để khép lại chương tàn khốc này". Bà nói: "Bây giờ là lúc thực hiện, thông qua các hành động cụ thể, để củng cố thành tựu ngày hôm nay".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau cuộc họp với Ngoại trưởng các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đưa ra kỳ vọng của chính quyền Mỹ về thỏa thuận này sẽ mở ra một trạng thái tương tự ở Gaza.
“Thỏa thuận sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống và sinh kế ở Lebanon và Israel, cũng như tạo ra các điều kiện cho phép mọi người trở về nhà an toàn ở miền bắc Israel và miền nam Lebanon. Tôi cũng tin rằng bằng cách giảm căng thẳng trong khu vực, nó cũng có thể giúp chúng ta chấm dứt xung đột ở Gaza. Đặc biệt, Hamas sẽ biết rằng họ không thể trông chờ vào các mặt trận khác mở ra trong cuộc xung đột”, ông Blinken nhấn mạnh.
Vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để giúp Lebanon "thiết lập sự ổn định trong nước". Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ dẫn đến việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch.
Vẫn còn đó những hoài nghi
Một bộ phận trong giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng về việc thực thi thỏa thuận. Trả lời báo giới, Giáo sư địa chính trị Cedomir Nestorovic tại cơ sở châu Á - Thái Bình Dương của Trường Kinh doanh ESSEC cho rằng cả Israel và Hezbollah đều “nóng lòng giải quyết thỏa thuận” trước khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Nestorovic cũng lưu ý đến việc thiếu một ủy ban quốc tế hoặc giám sát viên quốc tế để theo dõi lệnh ngừng bắn này.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mong đợi lệnh ngừng bắn được duy trì. Tôi tin rằng cả hai bên đều có lợi ích rất lớn trong việc duy trì lệnh ngừng bắn vào lúc này. Có thể trong tương lai, hai bên sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát lệnh ngừng bắn”, ông Nestorovic kỳ vọng.
"Tôi hoàn toàn không tin rằng lệnh ngừng bắn này có thể kéo dài được 60 ngày, chứ đừng nói đến việc trở thành vĩnh viễn. Tôi nghĩ rằng còn có rất nhiều mối quan tâm, động lực và cam kết khác cần được quản lý và thực hiện tốt để thỏa thuận ngừng bắn trở thành vĩnh viễn", ông Simon Frankel Pratt, giảng viên Khoa học chính trị, Đại học Melbourne (Australia) nhận xét.
Ông Pratt cũng chỉ ra rằng xung đột giữa Israel và Hezbollah sẽ không tái diễn sau 60 ngày nếu hơn 60.000 cư dân miền bắc Israel - những người phải di tản khi chiến sự nổ ra - bắt đầu trở về nhà của họ ở khu vực gần biên giới Lebanon. Ông Pratt cho rằng “chừng nào họ vẫn phải di tản, điều đó cho thấy tình hình an ninh vẫn còn bất ổn”.
Cũng theo giới phân tích, việc có một thỏa thuận tương tự tại Gaza sẽ “khó khăn hơn nhiều” so với thoả thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah, đặc biệt là nếu các quốc gia tiếp tục rút khỏi quá trình đàm phán.
Vào đầu tháng 11 này, Qatar, quốc gia trung gian quan trọng tuyên bố sẽ tạm ngừng vai trò của mình cho đến khi Israel và Hamas thể hiện “sự sẵn sàng và nghiêm túc”. Các cuộc đàm phán đã liên tục thất bại kể từ khi một lệnh ngừng bắn tạm thời sụp đổ sau một tuần vào tháng 11/2023.