Vài nước điển hình cho tình trạng trên là Somalia, Iraq và Congo – những nước yếu kém đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Tại hàng chục nước khác, các chính phủ kém năng lực hoặc tham nhũng đang tự làm cho họ mất khả năng thực hiện những trách nhiệm cơ bản nhất của một nhà nước. Những nước này, như Botswana, Campuchia, Georgia, và Kenya, có vẻ như đang phát triển trong sự hồi phục, thậm chí là thịnh vượng, nhưng cũng giống như những nước anh em yếu kém khác, họ đang ngày càng bất lực và có lẽ không quyết tâm hoàn thành những trách nhiệm vốn được xác định là của một nhà nước.
Những quốc gia yếu kém đó đang được tiếp sức bởi các tổ chức từ thiện quốc tế, các cơ quan viện trợ, các nhà hoạt động nhân đạo và các cố vấn nước ngoài. Đội ngũ “các tổ chức phi nhà nước” này đã trở thành một lực lượng toàn cầu hùng mạnh, thay thế ảnh hưởng của những chính phủ tại các nước đang suy sụp bởi đói nghèo và sự tàn phá của chiến tranh. Và như là một biện pháp thể hiện thế lực đó, các tổ chức này đang ngày càng chi phối những chức năng nhà nước quan trọng, như cung cấp dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội và sự an toàn cho người dân. Hiện nay, những tổ chức này đã trở thành những “thực dân mới” của thế kỷ 21.
Rất giống với các chính sách mà các đế chế châu Âu trước đây từng sử dụng trên khắp các thuộc địa của họ, các tổ chức từ thiện và viện trợ quốc tế như Oxfam, Bác sĩ không biên giới, Mercy Corps, và Bill & Melinda Gates Foundation, đã và đang chỉ đạo các chiến lược phát triển và tạo ra các chính sách cho chính phủ các nước chủ nhà mà họ giúp đỡ. Rõ ràng là họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu, giáo dục trẻ em và phân phối thực phẩm tại những nước mà chính phủ không thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhưng sự hiện diện của những tổ chức viện trợ đã làm nặng nề thêm sự lệ thuộc vào ngoại viện của những nước được giúp đỡ. Hậu quả là những nhà nước này mất đi sự phát triển các kỹ năng cần thiết để có thể tự điều hành đất nước một cách hữu hiệu. Phải chăng những “thực dân mới” này đã đi quá xa trong việc quản lý các trách nhiệm mà lẽ ra phải thuộc về những chính phủ độc lập?
Sự lệ thuộc không phải là một hiện tượng mới ở những nơi khốn cùng nhất trên thế giới này. Nhưng khi mà các chính phủ giàu có đã không còn thích chơi trò chơi phát triển thì những chủ thực dân mới đã thế chỗ. Năm 1970, 70% số tiền mà Mỹ cung cấp cho các nước đang phát triển là dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA). Ngày nay, ODA chỉ chiếm 15% trong dòng tiền đó, phần còn lại đến từ vốn tư nhân, tiền chuyển từ nước ngoài về nước sở tại, và đóng góp của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Năm 2006, tổng số tiền mà các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) viện trợ cho các nước đang phát triển lên đến 325 tỉ USD, nhưng chỉ 1/3 số tiền này được chi ra từ các chính phủ.
Ngân sách ngày càng tăng của các NGO là dấu hiệu cho thấy việc “chuyển giao quyền lực” đang diễn ra. Trong thập niên 90, tiền viện trợ thông qua các NGO ở châu Phi, chứ không phải qua các chính phủ, đã tăng hơn 3 lần. Mức chi từ tổ chức cứu trợ và phát triển quốc tế CARE đã tăng vọt 65% từ năm 1999 để đạt 607 triệu USD trong năm ngoái. Kinh phí của Save the Children cũng tăng 3 lần từ năm 1998; tổ chức Thầy thuốc không biên giới cũng tăng gấp đôi ngân sách của mình từ 2001; và chi tiêu của Mercy Corps đã tăng gần 700% trong 10 năm qua.
Việc chuyển giao cũng xảy ra tương tự ở đầu nhận viện trợ, tức là thường được chuyển đến những “thực dân mới”, thay vì đến các chính phủ. Năm 2003, 2/3 tiền hỗ trợ nạn nhân thiên tai của USAID được giao cho các NGO thay vì cho các chính phủ ở nước bị thiên tai. Trong giai đoạn 1980 - 2003, tiền viện trợ của OECD thông qua các NGO đã tăng từ 47 triệu lên đến 4 tỉ. Một lý do cho sự chuyển đổi này là các nước giàu không muốn giao tiền cho các quan chức nước ngoài tham nhũng. Và điều đó tạo ra sự lệ thuộc ngày càng tăng vào các “thực dân mới”.
Theo SGTT