Diễu hành tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái. (Nguồn: TTXVN) |
Chiến dịch nhằm tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ đề và thông điệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam nói chung, tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và những hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Qua đó, chiến dịch hướng đến kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân chung tay giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chấm dứt tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và phân biệt, đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Bắc Giang có tổng tỷ suất sinh số con trung bình của cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở mức 2,31 con, nằm trong nhóm tỉnh có mức sinh cao (thứ 29 của cả nước).
Đặc biệt trong 8 tháng năm 2020, tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên của tỉnh đang ở mức trên 16% so với tổng số trẻ sinh ra.
Mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã ở mức báo động nghiêm trọng. Bắc Giang là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất toàn quốc (126,3 bé trai/100 bé gái vào năm 2019), tăng 9,5 điểm so với 10 năm trước, tăng cao ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, cao hơn rất nhiều so với mức bình chung của cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng này là việc các gia đình mong muốn đẻ con trai, các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội.
Ngoài ra, sự lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp khả năng nhận biết giới tính sớm của thai nhi trong điều kiện khả năng phá thai dễ dàng. Các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thực hiện không nghiêm.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy như tảo hôn, mại dâm, buôn bán phụ nữ…
Chiến dịch “Truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh” được coi là một giải pháp tiên quyết, hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.