Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, đồng thời trao đổi về thách thức, giải pháp định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sau khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” năm 2050 tại COP26, Đảng và Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể và triển khai quyết liệt có hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.
Trong đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở, vật chất…).
Bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: BTC) |
Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện giảm lần lượt còn 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD. Định hướng giai đoạn 2031 - 2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Quy hoạch điện VIII nêu rõ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Theo bà Trần Thị Hồng Lan, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
“Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh", bà Lan cho hay.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo bằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Có cơ hội tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.
Để đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo vào nguồn năng lượng quốc gia, ông Hưng khuyến nghị cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 – lần thứ 6. (Nguồn: BTC) |
“Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra việc làm xanh thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và chính sách mua sắm. Đồng thời, có quy hoạch/chiến lược rõ ràng, hoàn thiện, minh bạch thủ tục, giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo.” – ông Hưng đề xuất.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam cho rằng, ở các mảng Việt Nam có thế mạnh nội địa hóa cao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, lộ trình phát triển điện gió và điện mặt trời giai đoạn 2025 - 2050 có thể mang lại 160 tỷ USD lợi nhuận cho Việt Nam, tương đương 1,02% GDP trong cùng giai đoạn, xấp xỉ giá trị của ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam năm 2022 với 155 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của CASE, thực hiện lộ trình này, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng từ 45% ở thời điểm hiện tại tới gần 80% vào năm 2050 đối với điện mặt trời, và từ 37% hiện tại lên 55% vào năm 2050 đối với điện gió. Trong giai đoạn 2025 - 2050, giá trị nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ước đạt 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.
Nếu mục tiêu về công suất đặt của điện gió và điện mặt trời trong trong quy hoạch điện 8 đạt được, Việt Nam được dự báo có tiềm năng thị trường tương đối lớn. Tuy nhiên, điều kiện hiện tại là chưa đủ để triển khai tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản. Cần tiếp tục hỗ trợ về điều kiện tài chính và lực lượng lao động lành nghề.
Bà Mai cho rằng, ở giai đoạn đầu cần thúc đẩy hơn nữa nội địa ở các công đoạn, phát triển dự án, lắp đặt/xây dựng và đấu nối. Về sản xuất có thể tiếp tục 2 lĩnh vực đã có thế mạnh. Thứ nhất điện mặt trời gồm máy biến áp và cáp, hệ khung, đơn vị điều khiển điện, tấm quang điện. Thứ hai điện gió gồm máy biến áp và cáp, thiết bị nền móng…
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng... để tối đa nội địa hóa”, bà Mai nhấn mạnh.
| Ngày 21/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam sự kiện của Nhóm công tác về điện và năng lượng, ... |
| Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài Chiều 5/12, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) TP. Hồ Chí Minh và Sở Lao động thương binh xã hội Thành ... |
| Doanh nghiệp bắt tay bước vào 'đường đua xanh' Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu của toàn cầu, các doanh nghiệp Viêt Nam cũng ... |
| Việt Nam nỗ lực hiện thực hoá tầm nhìn xanh Việt Nam đang trên lộ trình hiện thực hoá tầm nhìn xanh của mình với những nỗ lực, quyết tâm cao từ cấp bộ, ngành, ... |
| Sao Mai Group và khát vọng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, một quốc gia đang phấn đấu vươn lên trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng, đã ... |