📞

Thúc đẩy giao lưu, hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc

Mẫn Nhi 19:11 | 15/10/2024
Vừa qua, Đại học Phenikaa phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ giáo dục quốc tế khảo thí Hán Ngữ (CTI) và Công ty TNHH Giáo dục quốc tế CTI Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác giáo dục Việt Nam-Trung Quốc năm 2024” (Vietnam – China Education Conference 2024).
Hội thảo “Hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc năm 2024” (Vietnam – China Education Conference 2024) được tổ chức tại Đại học Phenikaa. (Nguồn: Đại học Phenikaa)

Hội thảo "Hợp tác giáo dục Việt Nam-Trung Quốc năm 2024" đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ giáo dục giữa hai quốc gia. Sự kiện này không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, mà còn là cầu nối giúp các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, sinh viên và phụ huynh Việt Nam tiếp cận trực tiếp với những cô hội học tập đa dạng tại Trung Quốc.

Hướng tới mục tiêu nhằm tạo diễn đàn kết nối các nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hội thảo cùng trao đổi những xu hướng đào tạo hiện nay; thúc đẩy giao lưu giáo dục giữa hai quốc gia. Đồng thời, sự kiện cũng tạo cơ hội cho người học được tiếp cận các thông tin chính thức về các chương trình đào tạo, điều kiện nhập học và học tập, cơ hội nhận học bổng, việc làm sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Trung Quốc.

Hội thảo quy tụ khoảng 500 đại biểu, bao gồm đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện các trường đại học và tổ chức giáo dục Việt Nam-Trung Quốc cùng đông đảo giảng viên, học viên, sinh viên và học sinh quan tâm.

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính: Hợp tác giáo dục Việt Nam–Trung Quốc; trao đổi kinh nghiệm đào tạo và các chính sách thu hút; hỗ trợ người học, cũng như cung cấp thông tin về các trường đại học tại cả hai quốc gia.

Trình bày tham luận về chủ đề “Hợp tác giáo dục Việt Nam–Trung Quốc”, GS.TS Phạm Thành Huy Hiệu trưởng, Đại học Phenikaa đề cập nhiều khía cạnh quan trọng của mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc.

GS.TS Phạm Thành Huy nhấn mạnh: "Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, triển lãm giáo dục được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của nhiều cơ quan từ cả hai nước, thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước đối với lĩnh vực này".

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu và khách mời đã tham quan khu vực giới thiệu các trường đại học, tổ chức giáo dục Việt Nam và Trung Quốc tại các gian thông tin. (Nguồn: Đại học Phenikaa)

GS.TS Phạm Thành Huy cũng khẳng định tầm quan trọng của Hội thảo trong việc tạo cơ hội kết nối giữa các cơ sở giáo dục, nhà quản lý và người học từ cả hai quốc gia. Hội thảo không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục mà còn mang lại những thông tin quý giá cho học sinh, sinh viên Việt Nam có nguyện vọng du học tại Trung Quốc. Đồng thời là bước đệm quan trọng giúp nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam hiện thực hóa ước mơ du học, cũng như góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về hoạt động giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Trung Quốc và các nước; thông tin về kỳ thi HSK và những lưu ý, cũng như triển vọng và thách thức của giáo dục Trung Quốc.

Thông qua các bài tham luận chuyên sâu và phiên thảo luận, Hội thảo cung cấp cái nhìn toàn diện về xu hướng giáo dục hiện đại, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác và phát triển mới trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu và khách mời đã tham quan khu vực giới thiệu các trường đại học, tổ chức giáo dục Việt Nam và Trung Quốc tại các gian thông tin. Ngoài ra, học sinh và sinh viên khi tham dự chương trình cũng được tư vấn trực tiếp bởi Ban tuyển sinh của các trường Đại học hàng đầu Trung Quốc; có cơ hội sở hữu 3.000 suất miễn phí tham dự kỳ thi mô phỏng HSK.