Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung và các đại biểu. |
Phía Quảng Tây cho rằng, là kênh kết nối quan trọng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tuyến vận tải đường sắt Việt-Trung đóng một vai trò quan trọng trong thương mại Trung Quốc-ASEAN.
Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, các cửa khẩu đường bộ thông quan chậm và sẽ quá tải, vận tải đường biển chậm, chi phí đường hàng không cao, vận tải đường sắt là một kênh hậu cần ổn định cho thông thương hai nước và chuỗi cung ứng qua biên giới. Quảng Tây rất coi trọng việc xây dựng tuyến hậu cần nhanh xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Kể từ ngày 30/5, trái cây đặc sản, sản phẩm điện tử, nhu yếu phẩm... của các nước ASEAN sẽ được chuyển đến Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh và từ đó phân phối đến tất cả các khu vực của Trung Quốc và đi các nước châu Âu.
Máy móc và thiết bị do Trung Quốc sản xuất, sợi bông, linh kiện điện tử, động cơ diesel và các hàng hóa khác được vận chuyển từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam qua cửa khẩu Bằng Tường. Nam Ninh đã dần trở thành một trung tâm hậu cần cho giao thương Trung-Việt.
Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt nói chung và tuyến vận tải đường sắt Việt-Trung nói riêng.
Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; cần tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.
Mục tiêu đến năm 2030 cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Hai bên đã trao đổi về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu suất vận tải và hậu cần đường sắt xuyên biên giới Việt-Trung trong thời gian tới như tích cực nghiên cứu, xem xét sớm phê duyệt nâng cấp ga Bắc Giang (ga Kép) thành ga liên vận quốc tế; cùng hợp tác xây dựng làn nhanh cho vận tải đường sắt xuyên biên giới và hậu cần giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với Cục Đường sắt Nam Ninh và Tổng công ty Vận tải Container Đường sắt Trung Quốc trong thời gian sớm nhất để cùng nhau thảo luận về hướng nâng cao hiệu suất vận tải đường sắt trong điều kiện kỹ thuật và trang thiết bị vận tải hiện có.
Đề nghị các cơ quan chức năng của Quảng Tây tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Việt Nam vận chuyển bằng đường sắt tới Quảng Tây, từ đó lan tỏa đến các địa phương khác của Trung Quốc....
Gần đây, vận tải hàng hóa đường sắt đang nổi lên là phương thức vận tải quan trọng tại Trung Quốc, đặc biệt là sau khi tuyến vận tải đường bộ đường biển mới miền Tây Trung Quốc được nâng lên tầm Chiến lược quốc gia (tháng 8/2019) và các phương thức vận tải hàng hóa khác trong thương mại quốc tế chịu tác động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua (cửa khẩu đường bộ ùn tắc, năng lực thông quan hạn chế, đường không nhanh nhưng chi phí cao, đường thủy giá thành thấp nhưng chậm). Hiện tại, khoảng 20 thành phố nội địa của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Trịnh Châu và Trùng Khánh, đã mở các tuyến tàu Trung Quốc-Việt Nam. Bốn tháng đầu năm, Trung Quốc khánh thành 581 km đường sắt, trong đó có 358 km đường sắt cao tốc; tiếp tục dẫn dầu thế giới về đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt với tổng đầu tư lên tới 23,23 tỷ USD trong 4 tháng; tốc độ xây dựng hạ tầng đường sắt dẫn đầu thế giới và tiếp tục đứng top 1 về hạ tầng đường sắt cao tốc. Quảng Tây với vai trò là cửa ngõ quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN và Việt Nam cũng đang hoàn thiện quy hoạch và triển khai xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa hướng đến các nước ASEAN và tận dụng lợi thế của RCEP. Trong đó, tại một số định hướng phát triển ngắn và trung hạn, Quảng Tây xác định cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh làm trung tâm, thúc đẩy khai thác các tuyến vận tải hàng hóa đường sắt Trung-Việt, Trung-Âu, Trung-Lào; đặt mục tiêu đến năm 2023 thực hiện trên 1.500 chuyến tàu vận tải hàng hóa qua cặp cửa khẩu đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng. |