📞

Thúc đẩy khai thác công nghệ lưỡng dụng, Pakistan đang che giấu chương trình hạt nhân bí mật?

Lê Ngọc 15:44 | 14/04/2021
Giới quan sát quốc tế lo ngại, việc khai thác công nghệ lưỡng dụng ở Pakistan tiềm ẩn nhiều mối đe dọa về an ninh quốc tế.

Một báo cáo mới đây của các cơ quan an ninh Na Uy đã cho thấy, Pakistan đang khai thác công nghệ lưỡng dụng (thuật ngữ dùng để chỉ những thành quả nghiên cứu và sáng chế có thể được triển khai để đồng thời thỏa mãn nhiều hơn một mục đích, cả quốc phòng lẫn dân sự).

Các cơ quan này cho hay, việc khai thác công nghệ này ở Pakistan không bị cản trở và điều này tiềm ẩn nhiều mối đe dọa về an ninh quốc tế.

Nhiều nước cáo buộc Pakistan có chiêu thức dùng công nghệ kép phục vụ chương trình hạt nhân của mình. (Nguồn: Modern Diplomacy)

Na Uy không phải là quốc gia duy nhất nhận ra những rủi ro lớn bắt nguồn từ việc chuyển giao các công nghệ quan trọng cho Pakistan. Trước đó, một số quốc gia khác đã thừa nhận về mối đe dọa hạt nhân từ quốc gia Nam Á này.

Báo cáo có tiêu đề “Báo cáo thường niên của ngành Thông tin An ninh năm 2019” của Cộng hòa Czech cũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về việc Islamabad gây hiểu lầm cho thế giới trong việc mua sắm các vật phẩm và công nghệ được quốc tế kiểm soát để hỗ trợ chương trình hạt nhân của mình.

Bằng chứng về các chương trình hạt nhân bí mật của Pakistan trên thực tế còn vượt xa những báo cáo này.

Năm 2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 5 người liên quan đến một công ty bình phong có trụ sở tại Pakistan vì điều hành một mạng lưới xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ sang Pakistan.

Bản cáo trạng xác định 38 mặt hàng xuất khẩu riêng biệt liên quan đến 29 công ty khác nhau trên khắp đất nước trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2019. Mạng lưới này được sử dụng để che giấu điểm đến thực sự của hàng hóa ở Pakistan bằng cách hiển thị thông qua các công ty bình phong.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ, hàng hóa cuối cùng đã được xuất khẩu cho Tổ chức Nghiên cứu Kỹ thuật Tiên tiến của Pakistan (AERO) và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pakistan (PAEC) mà không có giấy phép xuất khẩu.

Đáng chú ý, cả AERO và PAEC đều nằm trong danh sách pháp nhân của Bộ Thương mại Mỹ, buộc phải có giấy phép xuất khẩu.

Tương tự, vào năm 2020, các nhà chức trách Đức cho biết, Pakistan đã tìm kiếm công nghệ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) để duy trì tiềm năng răn đe nghiêm trọng chống lại "kẻ thù truyền kiếp" là Ấn Độ. Cơ quan này đã cung cấp một bản tường trình chi tiết về những nỗ lực của Pakistan nhằm đánh cắp thông tin và tài liệu về vũ khí hạt nhân.

Chính phủ Pakistan đã nhiều lần tuyên bố họ tìm kiếm các công nghệ lưỡng dụng để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội trong nước, chủ yếu là trong các lĩnh vực y tế và giáo dục. Một số trường hợp được Pakistan xác nhận là nhằm phục vụ các mục đích hòa bình cũng được công khai trong những năm gần đây. Dù vậy, những lập luận thiếu căn cứ này dường như không thuyết phục được các nước phương Tây.

(theo Modern Diplomacy)