Sáng 16/3 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức Hội thảo “Sự tham gia của trẻ em trong xây dựng – hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em”. Sự kiện có sự tham dự của các đại diện đến từ Cục bảo trợ trẻ em, các Bộ ban ngành liên quan, các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nêu rõ Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam tham gia từ năm 1990 khẳng định rằng trẻ em là con người có quyền thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến mình. Điều này đòi hỏi những ý kiến của trẻ em cần phải được các bên liên quan lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: T.T) |
Trên thực tế, các cơ quan quản lý của nhà nước và các tổ chức xã hội đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của trẻ em thông qua các chương trình, hoạt động của mình. Nhiều mô hình đang được thực hiện trong thực tế cho thấy rằng trẻ em có quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách qua nhiều hình thức khác nhau với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các người lớn trong một không gian an toàn, không có sự phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong nỗ lực của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, vẫn còn nhiều điểm thiếu sót và những rào cản trong việc thực thi quyền trẻ em, khiến viêc thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở nhiều nơi vẫn còn chưa thực chất, mang tính hình thức và chưa hiệu quả.
Nghiên cứu của MSD cũng cho thấy, có bốn yếu tố để đảm bảo sự tham gia của trẻ em, gồm: không gian, tiếng nói giúp trẻ thể hiện quan điểm; công chúng/thính giả và tính ảnh hưởng giúp cho các ý kiến được ghi nhận.
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD cho biết: "Luật trẻ em năm 2016 hay các chương trình hành động quốc gia có những cam kết về hành lang pháp lý cho sự tham gia của trẻ em, tạo cho các em một môi trường an toàn để có thể biểu đạt. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hành cho sự tham gia, lên tiếng này một là không tồn tại, hai là các hình thức chưa hiệu quả".
Theo bà Trần Diệu Thúy – Đại diện Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, cần xây dựng tính pháp lý cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567, quy định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp và trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; cung cấp số điện thoại ngắn (3 số) cho các em dễ nhớ… Đặc biệt, cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - cơ quan đại diện cho quyền trẻ em, cần tích cực tuyên truyền về vai trò của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ, tổ chức xây dựng các nhóm trẻ em đại diện và CLB trẻ em trao đổi nguyện vọng của trẻ với Đoàn thanh niên hay các cơ quan nhà nước, tập huấn nâng cao năng lực cho trẻ tham gia…
Mô hình "Câu lạc bộ phóng viên nhỏ" của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. (Nguồn: BTC) |
Hội thảo đã tạo ra một không gian mở, mời gọi sự tham gia và khuyến khích chia sẻ các ý tưởng và giải pháp của các bên liên quan đến việc trẻ em tham gia hoạch định – xây dựng thực thi chính sách. Nhân dịp này, các tổ chức xã hội về trẻ em cũng đã đưa ra nhiều mô hình và dự án hiệu quả tạo môi trường thúc đẩy để trẻ em tham gia vào các vấn đề chính sách, trong đó nhấn mạnh về vai trò của từng bên trong việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.
Các đại biểu đều thống nhất: Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc kiến tạo một không gian trao đổi thẳng thắn, hai chiều, tích cực để cả trẻ em và các tổ chức hỗ trợ các em đưa ra những ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; Nâng cao nhận thức về sự tham gia của trẻ em cho các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước liên quan, đặc biệt nhân sự chuyên trách về trẻ em ở cấp xã, phường cần được nâng chuyên môn, kỹ năng làm việc với trẻ em; Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá các hoạt động liên quan đến trẻ em và công nhận hoạt động giám sát độc lập.