Mới rạng sáng, cổng trường mẫu giáo Tương Mai (quận Hai Bà Trưng) đã đông nghẹt người. Rất nhiều trong số này cho biết họ phải vạ vật đứng ngồi xếp hàng từ 1h sáng để xí chỗ.
Một số phụ huynh đứng ra lập danh sách những người đến sớm để làm căn cứ mua hồ sơ vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, do việc ghi danh sách là tự phát nên 7 nhóm đều cùng lúc đứng ra ghi và đều lấy thứ tự 1, 2, 3... Vậy là nhìn 7 tờ danh sách này, ngay cả các phụ huynh cũng chẳng thể biết ai đến sớm ai đến muộn. Nhiều trận cãi nhau kịch liệt lại xảy ra.
Một số người nhanh chân đã nhảy ra làm "cò". Họ tập trung từ đêm hôm trước để ghi tên ảo nhằm xí chỗ bán kiếm lời cho những người đến muộn. Một phụ huynh bức xúc: "Tôi ở phường này nhưng năm ngoái không mua được hồ sơ nên đành cho cháu sang phường khác học. Năm nay quyết đưa con về gần nhà học nên vừa phải mua một suất đăng ký của "cò" với giá 500.000 đồng. Cầm được bộ hồ sơ mà tiếc đứt ruột vì xót tiền".
Phụ huynh kéo nhau lên phòng Hiệu trưởng Mầm non Tương Mai nhờ giải quyết. Ảnh: Thu Ngọc |
Tình trạng xếp hàng từ nửa đêm cũng xảy ra ở nhiều trường Mầm non nội thành Hà Nội. Bảo vệ trường Mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy) cho biết, mới 11h đêm, đã có người đến gọi cổng hỏi mua hồ sơ. Còn theo lời bảo vệ Mầm non Tuổi Hoa (quận Đống Đa), 1h sáng đã có một số người đến đứng ở cổng...
Sáng 2/7, trao đổi với chúng tôi, Hiệu trường Mầm non Tương Mai Vũ Thị Tuyết cho biết, ngay trong sáng 1/7, trường đã công nhận danh sách tự ghi nhưng yêu cầu phụ huynh phải tự thỏa thuận thứ tự của 7 tờ danh sách để làm căn cứ tuyển sinh. Hiện mỗi ngày trường vẫn làm thủ tục cho chừng 30 cháu.
"Ở cương vị nhà quản lý, tôi rất bức xúc trước tình hình tuyển sinh mẫu giáo như hiện nay. Còn với tư cách một người mẹ, tôi thấy phụ huynh giờ quá khổ. Con mới có 3 tuổi mà bố mẹ đã phải vất vả xin học cho con. Tôi biết, có trường hợp mẹ đi bán rau bố đi xe ôm thì lấy đâu tiền cho con học trường tư thục, dân lập".
Theo bà Tuyết, nguyên nhân chính của việc "xếp hàng từ nửa đêm" là do trường lớp, giáo viên... không đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh. Ví dụ, phường Tương Mai có khoảng 400 cháu trên 3 tuổi nhưng 2 trường của phường chỉ có thể nhận chừng 300 cháu. Hơn nữa, chi phí ở trường công lập là khoảng 200.000 đồng mỗi tháng, trong khi ở trường dân lập, tư thục, khoản đóng góp này phải gấp 4-5 lần.
Cảnh làm hồ sơ cho con tại Mầm non Hoa Hồng. Ảnh: Tiến Dũng |
Trước thực trạng số trẻ đăng ký học lên tới 240 em, trong khi chỉ tiêu của trường chỉ là 140 suất, bà Tuyết khẳng định, sẽ tập hợp danh sách học sinh chưa được vào trường để trình phòng giáo dục xin thêm chỉ tiêu.
"Mọi năm, mỗi giáo viên sẽ có một suất vào trường để bù đắp cho một năm vất vả. Nhưng năm nay, việc này sẽ không còn. Ngay cả các trường hợp "ngoại giao", chúng tôi cũng gửi danh sách lên phòng giáo dục chờ giải quyết. Chúng tôi sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu của phụ huynh", bà Hiệu trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Tuyết, trường đã trình phương án xây thêm 6 phòng học với tổng diện tích 300m2, đồng thời xin thêm giáo viên để mở rộng quy mô nhưng hiện cấp trên vẫn chưa duyệt.
Là một trong những trường dẫn đầu quận Cầu Giấy nên mới 10h sáng, Mầm non Hoa Hồng đã bán hết hồ sơ tuyển sinh (50 bé cho lớp nhà trẻ và 70 bé lớp mẫu giáo). Bà Hiệu trưởng Lê Thị Đức cho biết, do 8 cháu có hộ khẩu tại phường chưa được tuyển vì hết chỉ tiêu nên sắp tới, trường sẽ trình danh sách này lên phòng giáo dục để xin ý kiến.
Chứng kiến cảnh xếp hàng nói trên, một giáo viên cho rằng, phụ huynh nên chọn trường cho con theo tiêu chí đơn giản như: thầy cô yêu trẻ, đúng tuyến, gần nhà và có nơi sinh hoạt cho các cháu. Bởi nếu cứ chạy theo phong trào hoặc chạy theo những trường điểm thì vừa mệt mỏi, vừa tốn kém mà kết quả chưa chắc đã tốt. Đấy là chưa kể học xa, các bé phải đi lại vất vả những hôm nắng nóng, gió rét...
Theo VNE