📞

Thực trạng báo động về phân biệt giới tính tại Đông Nam Á

17:05 | 24/05/2017
Một trong những mục tiêu chính của ASEAN đặt ra cho Cộng đồng Văn hóa-Xã hội là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho người dân, đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục giới tính, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới.

Trong bài viết trên tờ Jakarta Globe, bà Yoriko Yasukawa, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nêu bật những thực trạng đáng báo động về tình trạng phân biệt giới tính và nhận thức hạn chế về giới tính ở các nước thành viên ASEAN, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để cải thiện bức tranh u ám này.

Theo bà Yasukawa, tính tới năm 2015, các nước ASEAN có khoảng 164 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 tuổi và dự kiến con số này sẽ tăng lên trên 166 triệu vào năm 2030.

Do quan niệm Á Đông, vấn đề giới tính được đưa vào trường học vẫn khá hạn chế và đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phân biệt giới tính vẫn nặng nề tại Đông Nam Á.

Ở các nước trong khu vực, chỉ có 58% nữ giới đi làm, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 82%.

Ngoài ra, chênh lệch về thu nhập giữa hai giới là khá lớn. Chẳng hạn, phụ nữ tại Campuchia và Singapore thu nhập chỉ bằng 25% so với thu nhập của nam giới.

Giáo dục được coi là biện pháp nghiêm túc giúp bạn trẻ loại bỏ suy nghĩ về phân biệt giới tính trong cuộc sống. (Nguồn: Shutterstock)

Tại các quốc gia Đông Nam Á hiện nay có khoảng 27 triệu trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15-19. Có khoảng 35% trong số này kết hôn sớm, 18% các bạn nữ sinh con khi chưa đủ 20 tuổi.

Thực tế này rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng tới chất lượng dân số khi người mẹ quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống và chăm sóc trẻ nhỏ, không có khả năng kinh tế. Thêm vào đó là nạn bạo hành trong gia đình, khi có tới hơn 40% trẻ em gái vị thành niên ở ít nhất 3 quốc gia ASEAN cho rằng việc bạo hành gia đình là có thể chấp nhận được.

Có khoảng 34% phụ nữ thừa nhận từng là nạn nhân bị bạo hành thể xác và tinh thần trong thời gian chung sống với chồng hoặc gia đình chồng.

Tất cả những con số nêu trên cho thấy việc giáo dục giới tính toàn diện tại các nước ASEAN cần được phổ biến rộng rãi hơn nữa giúp các bạn trẻ tiếp cận và chia sẻ hoàn cảnh của mình.

Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng chính phủ các nước cần chú trọng một cách nghiêm túc tới giáo dục giới tính toàn diện, nhằm giúp các bạn trẻ có những kiến thức cần thiết giúp họ tự bảo vệ mình và từng bước loại bỏ suy nghĩ về phân biệt giới tính trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải đặt ra mục tiêu rõ ràng và cam kết thực hiện có hiệu quả vấn đề này. Vấn đề này phải được coi trọng như các mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Các chương trình giáo dục trong nhà trường cần được cải cách, môi trường học đường cần có tính toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, với tư cách là các tổ chức kinh tế - xã hội, hỗ trợ chính phủ thực hiện mục tiêu này bằng cách ủng hộ công khai và tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại giải quyết vấn đề này.

Tác giả kết luận các nước Đông Nam Á cần chung tay vì tương lai thế hệ trẻ, vì tương lai của mỗi quốc gia và vì tương lai toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

(theo TTXVN)