TIN LIÊN QUAN | |
Tôn vinh sáng tác của nhạc sĩ vùng dân tộc thiểu số | |
Tiếng lòng của người dân tộc thiểu số |
Nhiệm vụ trọng tâm trong khối đại đoàn kết dân tộc
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
"Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc, miền núi không ngừng được hoàn thiện và ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện. Các chính sách tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số và phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước. Đồng thời, phát triển văn hóa, xã hội, nhất là hỗ trợ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố các địa bàn chiến lược; giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: Báo Chính phủ) |
Theo Phó Thủ tướng, thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%/năm.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của đồng bào. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc được chú trọng. Đặc biệt, thông tin tuyên truyền phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Tiêu biểu, hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo; nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; chưa khuyến khích được đồng bào tự vươn lên thoát nghèo.
"Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động, phân bổ nguồn lực. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, do vậy đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa bàn còn rất khó khăn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Trong khi đó, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn.
"Thụ hưởng văn hóa và tiếp cận các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn hạn chế. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu; nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào chậm được phát hiện, giải quyết...", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết thêm.
Tiến tới thoát nghèo cùng cực
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người.
“Tuy đạt được một số kết quả đáng trân trọng nhưng hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh vẫn đang là thách thức lớn”, ông Đỗ Văn Chiến nói.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Vẫn còn hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở và 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ chưa được giải quyết thấu đáo.
“Qua những số liệu đó, chúng ta thấy rằng, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, so với mức bình quân chung còn một khoảng cách khá xa”, ông Đỗ Văn Chiến cho biết.
Nói về nguyên nhân, ông Chiến nhận định, xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, đồng bào sinh sống ở nơi địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, mặt bằng dân trí thấp, rất khó khăn trong thu hút đầu tư nên chập phát triển. Đồng thời, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán cũng tác đổng rất lớn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, làm cho đời sống của đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Đặc biệt, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển còn một số bất cập; ban hành nhiều chính sách nhưng phân tán, manh mún, thiếu nguồn lực đầu tư nên không đạt được mục tiêu đề ra.
Từ thực trạng đó, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, mục tiêu chung của các chính sách là đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn. Đồng thời, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện nay. 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu như đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hoá.100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân. Không còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số nghèo cùng cực; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.
Đưa ra giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề cập đến 6 nhóm chính sách. Thứ nhất, nhóm chính sách phân bổ ngân sách quốc gia cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tính toán, áp dụng hệ số phân bổ thỏa đáng cho những địa phương vùng dân tộc thiểu số theo nhóm đặc biệt khó khăn và khó khăn.
Thứ hai, Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh: phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, sản xuấ kinh doanh cây công nghiệp…
Thứ ba, Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông nông thôn, các cơ sở dạy nghề, giáo dục, y tế.
Thứ tư, Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Thứ năm, Chính sách đặc thù hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Cuối cùng, Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ dân tộc thiểu số tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Tôn vinh sáng tác của nhạc sĩ vùng dân tộc thiểu số Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cho 22 tác ... |
Tiếng lòng của người dân tộc thiểu số Đến từ 15 dân tộc trên cả nước, hơn 50 thành viên thuộc Nhóm Mạng lưới Tiên Phong luôn đoàn kết bởi trong số họ, ... |
Tiếp nối hành trình tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc Chiều 1/6, tại Hà Nội, Festival Tôi tin tôi có thể 2018 với chủ đề “Tri thức bản địa - Mạch sinh nguồn sống” đã ... |