📞

Thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương

Phi Khanh 21:19 | 18/08/2023
Các đại biểu đã chia sẻ kết quả giáo dục cũng như những tồn tại, bất cập từ thực tế như thiếu giáo viên, quá tải trường lớp, thiếu thiết bị học tập...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục.

Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị đã có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và hàng trăm đại biểu là đại diện ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, đại diện các bộ, ngành và các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước.

Thực trạng thiếu giáo viên dù có chính sách thu hút

Tại Hội nghị, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh thành đã chia sẻ những kết quả giáo dục cũng như những tồn tại, bất cập từ thực tế địa phương, những khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Những vấn đề chủ yếu được đặt ra là thiếu giáo viên, quá tải trường lớp, thiếu phòng học kiên cố, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, thiếu trang thiết bị học tập phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã chia sẻ về tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó khăn trong công tác tuyển dụng, đặc biệt là ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

Ông Duy cho rằng, tổng số giáo viên của tỉnh hiện mới đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt/năm, với tổng chỉ tiêu tuyển là 2.532, song số đăng ký chỉ là 1.359 (chiếm 53,7%). Số trúng tuyển cũng chỉ là 726, chỉ chiếm 53,4% số dự tuyển và chỉ chiếm gần 29% tổng số chỉ tiêu tuyển.

Ông Duy đưa ra dẫn chứng: "Giáo viên Tiếng Anh và Tin học mặc dù thu hút tuyển mới lên vùng cao với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp nhưng chúng tôi vẫn chưa tuyển mới được trường hợp nào”.

Do đó, ông Đỗ Đức Duy kiến nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh đảm bảo đủ định mức theo quy định. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị nghiên cứu, bổ sung các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đặc thù đối với giáo viên, nhân viên tại các địa bàn đặc biệt khó khăn... để tạo điều kiện thu hút, tuyển dụng, giữ chân người đang công tác. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nâng cao chế độ lương và phụ cấp để giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cũng cho biết, đội ngũ giáo viên của tỉnh thiếu rất nhiều, nhất là các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục quốc phòng. Cà Mau dự kiến phân 600 biên chế viên chức cho ngành giáo dục, tuy nhiên hiện nay số được giao này lại không có nguồn tuyển, nên cũng khó khăn. Trong khi đó, số giáo viên tăng cường từ miền Bắc vào (15-20 năm trước) giờ đây cũng có nguyện vọng chuyển đi địa phương khác; mỗi năm khoảng 200 người.

Đưa ra giải pháp, ông Luân nói: “Trung ương cũng cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác”.

Đại diện tỉnh Kon Tum cũng cho biết tỉnh nay vẫn còn thiếu 836 giáo viên. Đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Do đó, lãnh đạo tỉnh Kon Tum kiến nghị rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như: Chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề...

Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm đại biểu theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đã có nhiều nỗ lực của ngành Giáo dục

Tại Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm học 2022 - 2023 là một năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Toàn ngành đã nỗ lực và đạt những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ tâm lý học sinh; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường…

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các đại biểu chia sẻ ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu đánh giá về những kết quả, cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của địa phương và trên cơ sở đó tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học tới.

Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Lắng nghe các ý kiến và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực của ngành, khẳng định những kết quả của giáo dục và đào tạo trong năm học 2022-2023 vừa qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại của ngành. Đồng thời, lưu ý Bộ GD&ĐT một số vấn đề. Đó là, không để ma túy xâm nhập trường học; đảm bảo khắc phụ bạo lực học đường; hệ thống sách giáo khoa cần phải đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và phải ổn định phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; rà soát môn giáo dục công dân trong trường phổ thông, tăng thời lượng nếu cần thiết để đảm bảo thực chất và hiệu quả; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học ở vùng sâu vùng xa.

(tổng hợp)