Tình trạng giao thông tại thành phố Bangalore, miền Nam Ấn Độ. (Nguồn: CNN) |
Được mệnh danh là "thung lũng Silicon của Ấn Độ", thành phố Bangalore thuộc bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ đã phát triển và mở rộng nhanh chóng trong thời gian qua. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông tồi tệ tại thành phố công nghệ này. Số lượng xe ô tô lưu thông trên đường phố tại Bangalore đã tăng phi mã từ con số 1,4 triệu vào năm 2000 lên đến hơn 8 triệu vào năm 2019. Chẳng mấy ngạc nhiên khi Bangalore đã soán ngôi Mumbai - thủ phủ của bang Maharashtra và trở thành thành phố có giao thông ùn tắc nhất trên thế giới.
Và đấy cũng là cơ hội cho "làn sóng" start-up công nghệ đóng góp vào công cuộc giảm thiểu vấn nạn kẹt xe tại thành phố gần 13 triệu dân này.
Bounce, một start-up công nghệ chuyên cho thuê xe máy tại Bangalore, là một ví dụ điển hình cho làn sóng này. Thành lập vào năm 2014 và hoạt động tại hơn 30 thành phố của Ấn Độ, Bounce hiện sở hữu hơn 17.000 xe máy chạy điện và chạy xăng ngay tại Bangalore. Mỗi ngày công ty cung cấp hơn 120.000 lượt thuê xe tại đây.
Khách hàng có thể thuê một chiếc xe máy với giá chỉ 14 Rupee (khoảng hơn 5.000 VND) mỗi giờ và dưới 2 mô hình, đó là trả xe tại một bến nhất định hoặc có thể lấy và trả xe tại bất cứ nơi đâu trong thành phố.
Dịch vụ cho thuê xe máy của Bounce góp phần giảm vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Bangalore. (Nguồn: CNN) |
Tháng 1 vừa qua, Bounce nhận được khoản đầu tư trị giá 105 triệu USD, đưa tổng giá trị vốn của công ty lên hơn 200 triệu USD. Theo ông Varun Agni, Giám đốc công nghệ kiêm đồng sáng lập của Bounce, hiện công ty được định giá tới 500 triệu USD.
Mặc dù mục đích ban đầu của Bounce là cung cấp phương tiện đi lại cho người dân với chi phí phải chăng, những hoạt động của công ty đã mang lại một hệ quả quan trọng hơn, đó là góp phần giảm vấn đề tắc nghẽn giao thông.
Ông Varun Agni nói: “Dịch vụ của chúng tôi có tác động tích cực lên việc giảm thiểu vấn nạn ùn tắc giao thông tại một số thành phố của Ấn Độ” bởi khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân để di chuyển trong thành phố.
Ngoài ra, dịch vụ cho thuê xe của Bounce cũng mang lại tác động tích cực cho môi trường, đặc biệt khi công ty này đưa thêm nhiều xe máy điện vào hoạt động, Dự tính, đến cuối năm 2020, ít nhất một nửa số xe máy của công ty sẽ sử dụng điện thay cho nguyên liệu hóa thạch, Agni nói.
Theo nhóm nghiên cứu chất lượng không khí Urban Emissions Info, các phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu quá thạch là nguồn khí thải carbon lớn nhất tại Bangalore.
Một start-up công nghệ khác là Quick Ride cung cấp dịch vụ "đi chung xe" tại thành phố Bangalore, đã ra đời với mục tiêu cung cấp phương án di chuyển bền vững, thân thiện với môi trường. Theo Quick Ride, việc cắt giảm số lượng phương tiện trên đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và nhờ đó giảm thiểu lượng khi thải ra môi trường.
Quick Ride cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2015, công ty đã góp phần cắt giảm 90.000 tấn khí thải CO2, tương đương với lượng khí thải của 19.000 phương tiện cá nhân thải ra trong 1 năm.
Trong gần 5 năm qua, Quick Ride góp phần cắt giảm 90.000 tấn khí thải CO2, tương đương với lượng khí thải của 19.000 phương tiện cá nhân thải ra trong 1 năm. |
Với ứng dụng của Quick Ride, các tài xế có thể kết nối với hành khách đang di chuyển trên cùng tuyến đường. Hệ thống của Quick Ride cho phép họ chia sẻ khoản chi phí di chuyển bằng cách áp dụng cước phí được lập trình sẵn trên đồng hồ tính tiền. Đặc biệt, công ty này quản lý việc thanh toán thông qua tài khoản người dùng, nhờ đó hành khách không cần phải chi trả bằng tiền mặt.
Quick Ride có mặt tại 9 thành phố trên khắp Ấn Độ với tổng cộng 3,5 triệu người dùng, và 1/3 trong số đó là cư dân thành phố Bangalore. Công ty này vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 15,5 triệu USD.
Một số công ty như Capgemini (CAPMF) đã hợp tác với Quick Ride và khuyến khích nhân viên của họ sử dụng dịch vụ đi chung xe. Hơn 70% nhân viên của Capgemini đã ký tên vào chiến dịch Capgemini's #CAReToShare vào năm 2019, và kể từ khi bắt đầu chương trình vào năm 2017, họ đã di chuyển tổng cộng 33 triệu km với dịch vụ đi xe chung này.
Ông Vijay Chandramohan, Giám đốc cấp cao của Capgemini, cho biết: “Chương trình này được thực hiện nhằm giúp cho việc đi lại hàng ngày của nhân viên công ty trở nên thuận tiện hơn, cũng như cố gắng giảm bớt ô nhiễm cho thành phố”.