Theo CNN, đây là những thử nghiệm lâm sàng "chưa từng có tiền lệ" bởi các phương pháp này chưa trải qua thử nghiệm lâm sàng lâu dài trên động vật và người khỏe mạnh trước khi dùng cho người bệnh. Việc thử nghiệm đang được đẩy nhanh với hy vọng các loại thuốc sẽ giảm 70% tỷ lệ tử vong vì Ebola tại Tây Phi.
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên thực hiện với thuốc Brincidofovir tại một trung tâm y tế ở Thủ đô Monrovia (Liberia). Loại thuốc thứ hai trong thử nghiệm lâm sàng là Favipiravir. Thuốc được dùng trên các bệnh nhân ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea. Liệu pháp truyền máu là phương thức thứ ba trong thử nghiệm lâm sàng tháng tới, bố trí thực hiện tại thủ đô Conakry của Guinea.
Các đợt thử nghiệm lâm sàng sẽ do ba nhóm nghiên cứu dẫn đầu, trong đó tập trung vào việc tìm kiếm cách thức hữu hiệu chống Ebola. Khác với thông thường là bệnh nhân được chia làm hai nhóm dùng thuốc và không sử dụng thuốc để lấy kết quả so sánh, trong thử nghiệm lần này tất cả bệnh nhân đều được dùng thuốc. Sau đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi tỷ lệ người khỏi bệnh sau 14 ngày có cải thiện so với khi không điều trị bằng thuốc hay không. Được biết, sẽ có 140 bệnh nhân tham gia đợt thử nghiệm đầu tiên và mỗi người sẽ được nhận năm viên thuốc trong bốn ngày.
Theo thống kê chính thức của WHO, đã có 4.950 người tử vong trong tổng số 13.241 trường hợp nhiễm Ebola tại ba nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Phan Mích