Thuốc lá điện tử được quảng cáo không gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm này lại là mối nguy hại thầm lặng đối với người hút trực tiếp cũng như thụ động. |
Mới đây, tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống hút thuốc lá, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Nhị Thủy cho biết, theo số liệu từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 75.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do tác hại của thuốc lá về lâu dài ở lứa tuổi này.
Những con số đáng lo ngại
Tại Hội nghị trên, chuyên viên Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá Nguyễn Thị Thu Hương thông tin, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên toàn thế giới ghi nhận hơn 8 triệu ca tử vong vì hút thuốc lá, hầu hết xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới. Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động vẫn còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh đang hút thuốc lá không bị ngăn cản mua thuốc lá vì dưới 18 tuổi 80,5%.
Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS), năm 2003, kết quả khảo sát tại 5 tỉnh/thành phố ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá điếu 4,09% (9% ở nam và 1,5% ở nữ).
Năm 2007, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại 9 tỉnh/thành phố giảm còn 3,3% (5,9% ở nam và 1,2% ở nữ). Năm 2014, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại 13 tỉnh/thành phố giảm là 2,5% (4,9% ở nam và 0,2% ở nữ); tỷ lệ hút thuốc lá chung là 3,5%, (6,3% ở nam, 0,9% ở nữ).
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ. (Nguồn: VGP) |
Năm 2021-2022, điều tra thực hiện trên 4.790 học sinh (HS), có 93,3% phản hồi, trong đó, 3.873 HS độ tuổi từ 13-15.
Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ HS hút thuốc lá đã giảm còn 2,9%. Tỷ lệ HS bắt đầu hút thuốc từ 13 tuổi trở xuống còn cao, xấp xỉ 80%. Tỷ lệ HS đang sử dụng thuốc lá điện tử là 3,35% (4,3% ở nam và 2,8% ở nữ), đáng chú ý, tỷ lệ HS đã từng thử thuốc lá điện tử là 7,8% (9,3% ở nam và 6,5% ở nữ).
Ngoài số liệu trên, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà trong vòng 7 ngày là 24,5%, tại địa điểm công cộng trong nhà là 22,2%, công cộng ngoài trời 46% và tại trường học 35,7%. Tuy tỷ lệ đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao.
Thuốc lá điện tử: Mối nguy hại tiềm ẩn
Thông tin về thuốc lá điện tử, PGS. TS. Phạm Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, nêu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử thời gian gần đây.
Theo các số liệu thống kê (2015-2019), tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử tăng 13 lần. Các loại thuốc lá điện tử thế hệ mới tạo ra một nhóm nghiện thuốc lá mới, nghiện về nhận thức, nghiện về hành vi, nghiện về thực thể với một tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn và nặng nề hơn.
“Kể cả thuốc lá nung nóng (HTPs) có thể là sản phẩm ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống thì bản chất nó vẫn là sản phẩm có hại và gây nghiện cao cho người dùng. Từ đó, gây nguy cơ về việc người hút chuyển sang dùng HTPs thay vì bỏ thuốc lá. Không một tổ chức nào khuyến nghị sử dụng bất kỳ sản phẩm nào gây hại cho phổi và sức khỏe con người”. (Hiệp hội Hô hấp châu Âu) |
Hút thuốc lá điện tử tuy rủi ro có khả năng thấp hơn so với thuốc lá truyền thống nhưng vẫn tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Một số nghiên cứu cho thấy, 45.000 thanh thiếu niên ở Hong Kong (Trung Quốc) gia tăng ho mạn tính và đờm, 2.000 sinh viên ở California (Mỹ) tăng gấp đôi nguy cơ mắc các triệu chứng viêm phế quản mạn tính, 36.000 sinh viên Hàn Quốc tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, 40.000 người tham gia nghiên cứu sức khỏe eHeart tăng nguy cơ khó thở, COPD và hen suyễn…
Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn gây ra nguy cơ tim mạch kém, bên cạnh những rủi ro liên quan đến nicotine như nhịp tim nhanh, huyết áp.
Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá, nên việc mua bán, kinh doanh mua bán sản phẩm này phải đáp ứng các điều kiện như khi đối với thuốc lá. Hiện chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử.
Các trang mua bán thuốc lá điện tử xuất hiện tràn lan trên mạng. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, hiện nay, thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và được bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều người, thậm chí các thanh thiếu niên dễ dàng mua những sản phẩm này trên mạng mà không cần đủ 18 tuổi.
Thuốc lá điện tử đang dần trở thành mối nguy hại mới, đặc biệt cho đối tượng thanh thiếu niên, PGS. TS. Phạm Thu Phương nhận định.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử không có lợi ích với sức khỏe, thậm chí còn có tác hại không nhỏ.
Theo đó, các hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử có thể làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục làm tăng gánh nặng toàn xã hội.
Điển hình như đợt bùng phát mạnh bệnh lý/ngộ độc tại Mỹ (EVALI) hồi tháng 8/2019. Tính đến 18/2/2020, có 2.807 ca bệnh này, trong đó có 68 ca tử vong được khẳng định liên quan.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, các cơ quan chức năng đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử ở Việt Nam. Thành phần này khi bị đốt ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra những chất có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lá phổi của một bệnh nhân 19 tuổi bị tổn thương nặng nề do hút thuốc lá điện tử, với các mô có màu trắng đục thay vì đen như bình thường. (Ảnh: Claire Chung) |
Bên cạnh đó, các thành phần trong thuốc lá điện tử còn gây nguy cơ khởi phát hen, gây COPD, viêm phế quản mạn, tim mạch, tâm thần kinh, suy giảm hệ miễn dịch, nghiện nicotin… Đáng lưu ý, việc hút thuốc lá điện tử thụ động cũng có tác hại tương tự thuốc lá thông thường.
Không chỉ dừng tại đó, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, thuốc lá điện tử còn là môi trường cho các ma túy mới tồn tại, khiến việc kiểm soát càng khó khăn hơn, gây thêm gánh nặng liên quan ma túy như y tế, an ninh, xã hội…
Theo tạp chí y khoa BMC public health, kết quả phân tích tổng hợp từ 6.619 nghiên cứu ở người tuổi 13-19, giai đoạn 2005-2019 tại châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, hút thuốc lá điện tử làm tăng sự bắt đầu hút thuốc lá thông thường ở thiếu niên.
Kinh nghiệm của các nước
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, thành viên tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết, ở một số nước, khi nới lỏng các quy định hút thuốc lá điện tử đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, kể cả các nước có năng lực kỹ thuật, kinh tế như Mỹ, Canada, việc kiểm soát trở lại cũng rất khó khăn.
Theo đó, tại Mỹ năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh THCS là 27,5%, tăng 26% so với năm 2011. Trước con số báo động này, tháng 2/2020, FDA Mỹ ban hành lệnh cấm với các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị trái phép nhằm giảm sự hấp dẫn với trẻ em và thanh thiếu niên.
Tỷ lệ gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao tại một số nước: Romania (từ 6,7% năm 2013 lên 8,2% năm 2017); Georgia (từ 5,7% năm 2014 lên 13,2% năm 2017), Italy (từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018).
Tháng 6/2022, FDA yêu cầu hãngJuul ngừng bán thuốc lá điện tử trên thị trường Mỹ do thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu không thống nhất về độc tính của sản phẩm này. (Nguồn: Fortune) |
Tại Canada, khi chính phủ nước này chuyển từ cấm sang cho phép bán dưới sự quản lý hồi tháng 5/2018, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở độ tuổi thanh thiếu niên tăng mạnh. Điều tra quốc gia giai đoạn tháng 10/2018-6/2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử ở thanh niên sau khi Luật thay đổi đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó.
Hiện có ba xu hướng chính sách trong quản lý thuốc lá điện tử.
Thứ nhất là cấm hoàn toàn: Có 27 quốc gia/vùng lãnh thổ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, 3 quốc gia/vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine.
Thứ 2: Xem thuốc lá là hàng hoá có điều kiện xem xét và cấp phép như dược phẩm.
Theo đó, ít nhất 8 quốc gia/vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây hầu như là quy định cấm bán bởi không có nhà sản xuất nào trải qua quy trình pháp lý để đạt giấy phép chứng nhận là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Thứ 3 là quy định quản lý chặt bằng các biện pháp kiểm soát thuốc lá như giới hạn về độ tuổi tối thiểu được mua và/hoặc sử dụng thuốc lá điện tử; cấm hoặc quy định việc quảng cáo, khuyến mại hoặc tài trợ cho sản phẩm;
Quy định về bao bì an toàn cho trẻ em; dán cảnh báo sức khỏe trên bao bì; cấm hoặc hạn chế sử dụng ở những nơi công cộng, đánh thuế với sản phẩm;
Quy định lượng (nồng độ/thể tích) nicotin trong chất lỏng điện tử; không cho phép sử dụng các thành phần (không phải nicotin) có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người ở dạng đun nóng hoặc không đun nóng trong chất lỏng điện tử có chứa nicotin, hoặc điều chỉnh hương vị trong chất lỏng điện tử;
Quy định chất lượng nicotin và các thành phần khác được sử dụng để sản xuất chất lỏng điện tử; yêu cầu sản phẩm phải qua thẩm định an toàn, chất lượng; hoặc đã thiết lập các quy định khác liên quan đến an toàn cho sản phẩm này.
Với những nguy cơ trên, các chuyên gia đều nhất trí kiến nghị các cơ quan chức năng khẩn cấp cấm bán, sản xuất và lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam.
Khuyến cáo của WHO (nghị quyết của COP 8) về thuốc lá nung nóng a) Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng; b) Bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng, theo Điều 8 của WHO FCTC; c) Ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này; d) Áp dụng các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ cho các sản phẩm thuốc lá này theo Điều 13 của Công ước khung WHO FCTC; e) Kiểm soát thành phần và tỏa khói của các sản phẩm này theo theo Điều 9 và 10 của WHO FCTC f) Bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá nung nóng khỏi tác động của các lợi ích thương mại và các lợi ích khác liên quan tới các sản phẩm thuốc lá nung nóng và ngành công nghiệp thuốc lá, theo Điều 5.3 của WHO FCTC; g) Quản lý, bao gồm hạn chế hoặc cấm, khi thích hợp, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, trưng bày, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, phù hợp với luật pháp quốc gia, tính đến mức độ bảo vệ cao cho sức khỏe con người; h) Áp dụng, khi thích hợp, các biện pháp trên đối với các thiết bị được thiết kế để tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá nung nóng. |