TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng trao đổi với Nhật Bản về 'Danh sách Trắng' | |
'Tự lực cánh sinh' sản xuất linh kiện điện tử, Hàn Quốc chắc thắng mấy phần? |
Hội nghị Ngoại trưởng Trung - Nhật - Hàn lần thứ 9 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
| Nhật Bản - Hàn Quốc: Láng giềng gần mà xa TGVN. Nhật Bản - Hàn Quốc xung khắc thương mại hiện nay chỉ là vẻ bề ngoài của những khúc mắc chính trị bắt nguồn ... |
Của người phúc ta
Căng thẳng giữa Tokyo và Seoul trở nên gay gắt kể từ khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết cuối 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép. Viện dẫn lý do an ninh quốc gia, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu ba nguyên liệu chủ chốt sang nước láng giềng Đông Á vào tháng 7/2019, đồng thời loại Seoul ra khỏi “danh sách trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đáp lại, Seoul đã “ăn miếng, trả miếng”, khi Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc khởi động tiến trình xóa Tokyo ra khỏi danh sách các đối tác thương mại được tin cậy.
Trước những đòn trả đũa liên tiếp của hai nước láng giềng Đông Á, cộng đồng quốc tế đặt niềm tin vào vai trò giải quyết tranh chấp của Trung Quốc trong khu vực. Dù có nhiều ưu tiên khác nhau, song không khó để nhận ra “trái ngọt” mà Bắc Kinh sẽ được hưởng trong mâu thuẫn giữa hai quốc gia này.
Đầu tiên, Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Trung – Nhật – Hàn lần thứ 9 được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là cuộc hội ngộ đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao hàng đầu ba nước kể từ năm 2016. Quan trọng hơn, Hội nghị lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa ba nền kinh tế lớn nhất châu Á, đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác ba bên. Do đó, cộng đồng quốc tế kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ giữ vai trò “cầu nối” giúp cho Tokyo và Seoul giải quyết các bất đồng, vốn là kết quả của mâu thuẫn trong lịch sử.
Thứ hai, mặc dù Hội nghị Ngoại trưởng Trung - Nhật - Hàn diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Seoul không mấy êm đềm do những tranh cãi về lịch sử và thương mại, song giới phân tích cho rằng, khuôn khổ hợp tác FTA ba bên với sự tham gia của Trung Quốc sẽ là cách tiếp cận bản lề, giúp Nhật Bản và Hàn Quốc giảm bớt căng thẳng và đạt được thỏa hiệp.
“Bất cứ sự bất ổn hay căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều có thể làm tổn hại tới hợp tác ba bên. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thuyết phục Tokyo và Seoul rằng, hợp tác “kiềng ba chân” này sẽ đem lại lợi ích cho cả ba quốc gia, trong đó, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất,” Giáo sư Huang Dahui thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối các thỏa thuận thương mại tự do và Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ, một thỏa thuận thương mại với hai nền kinh tế hàng đầu châu lục sẽ tạo đòn bẩy cho Bắc Kinh đi xa hơn trong “chặng đua” với Washington, mà đồng thời giúp mong muốn đa dạng hóa thị trường của Trung Quốc trở thành hiện thực.
Cuối cùng, mặc dù một số học giả lo ngại Trung Quốc có thể âm thầm tăng cường những lợi ích chiến lược trong khu vực nếu tranh chấp giữa Seoul và Tokyo tiếp tục leo thang, song Giáo sư Huang lại tin rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tích cực nhằm “giảm nhiệt” căng thẳng giữa hai nước láng giềng, bởi ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.
Hướng tới tương lai
Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh, Tokyo và Seoul giữ vững những lập trường riêng biệt về thương chiến Nhật - Hàn, đặc biệt khi Hàn Quốc hơn một lần phát đi “tín hiệu” thể hiện thiện chí hòa giải, còn Nhật Bản lại bày tỏ nghi ngờ về vai trò trung gian.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng bán đảo Triều Tiên hôm 15/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Seoul sẵn sàng làm việc với Tokyo nhằm đạt được “sự hợp tác và thương mại công bằng” trong khu vực. “Nếu Nhật Bản chọn con đường phối hợp và đối thoại, chúng tôi sẽ rất vui lòng chung tay.” Thông điệp hoà giải một lần nữa được lặp lại trong bài phát biểu kỷ niệm 74 năm kết thúc Thế Chiến II hồi tuần trước. Dù trước đó từng tuyên bố “Hàn Quốc sẽ không bị Nhật Bản đánh bại một lần nữa”, ông Moon cho biết, Seoul không “đắm chìm trong quá khứ”, mà hướng đến tương lai.
Về phần mình, Tokyo đã thể hiện lập trường trái ngược khi phủ nhận vai trò của bên thứ ba. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, truyền thông Tokyo đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sẽ gặp có cuộc gặp song phương người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha để thảo luận các vấn đề thương mại, nhưng không có sự tham dự của nước chủ nhà Trung Quốc.
Sở dĩ Tokyo cảnh giác với vai trò trung gian hoà giải của Bắc Kinh bởi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại rằng sự tham dự của bên thứ ba có thể gây áp lực, buộc quốc gia này phải nhượng bộ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thể hiện sự thấu hiểu quan điểm của Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử, tạo thành mặt trận chung với Nhật Bản cũng được đánh giá là mối lo ngại của xứ sở Mặt trời mọc.
Dù Nhật Bản ngoài mặt tuyên bố “sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc”, song nước này không có ý định nhượng bộ về kiểm soát xuất khẩu hoặc vấn đề kiện cáo các công ty Nhật Bản tại xứ kim chi. Nếu thương chiến Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn tiếp diễn, bất chấp những nỗ lực hòa giải của Trung Quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục “chao đảo” bởi hai cuộc chiến thương mại diễn ra cùng lúc.
Hải An
| Mỹ nói gì về căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận Nhật - Hàn TGVN. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/8 đã kêu gọi cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi cho rằng gia ... |
| Hàn Quốc sẽ tập trận gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản: Làm mới câu chuyện cũ TGVN. Ngày 4/8, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn giấu tên từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Seoul sẽ sớm tiến hành tập ... |
| Căng thẳng Nhật - Hàn tác động mạnh tới các hãng hàng không TGVN. Ngày 7/8, Hãng hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc tuyên bố dừng đường bay kết nối thành phố Busan của Hàn Quốc với ... |