Một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) nằm ở quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo, vượt qua rào cản ngôn ngữ và mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, hàng loạt cuộc gặp trực tuyến, thiếu giao thiệp trực tiếp và căng thẳng Mỹ-Trung đã khiến những mối quan hệ đó ít nhiều rạn nứt.
Chính vì thế, Thượng đỉnh G20 trực tiếp tại Rome, Italy ngày 30-31/10 tới là cơ hội để nhóm hóa giải bất đồng, mở rộng hợp tác, cùng đối phó với những vấn đề toàn cầu cấp bách, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu hay khủng hoảng năng lượng.
Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sẽ diễn ra tại Rome, Italy ngày 30-31/10. (Nguồn: China Daily) |
Cân bằng nhu cầu và lợi ích
Kể từ khi G20 tổ chức Thượng đỉnh năm 2008, bữa tối cùng ngày đã trở thành diễn đàn đặc biệt, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận trực tiếp về nhiều vấn đề then chốt với nước mình.
Một thập niên trước, khủng hoảng tiền tệ Eurozone từng “chiếm sóng” bàn tiệc. Khi ấy, không ít vị khách mời thảo luận, thậm chí thuyết phục cựu Thủ tướng Italy, ông Silvio Berlusconi, từ chức.
Bữa tối năm nay lại càng không thiếu chủ đề. Lãnh đạo chủ nhà, Thủ tướng Italy Mario Draghi, nhiều lần bày tỏ mong muốn thúc đẩy giải pháp cho khủng hoảng nhân đạo và địa chính trị tại Afghanistan. Trước đó, ông chủ trì một cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo G20 về vấn đề này.
Nhu cầu cấp thiết về cung cấp đủ 23 tỷ liều vaccine Covid-19 cho những nước thu nhập thấp cũng dự kiến xuất hiện trên bàn tiệc Thượng đỉnh G20 ngày 30/10. Nhiệm vụ này đòi hỏi G20 phối hợp, mở rộng thương mại để chuỗi cung ứng vaccine Covid-19 sản xuất, đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Ngoài ra, các vị khách trong bữa tối G20 tại Rome có thể thảo luận về phối hợp giải quyết cơn khát năng lượng hiện nay thông qua tháo gỡ giới hạn nguồn cung, đồng thời giảm áp lực về giá cả.
Tất nhiên, bất cứ ai từng tổ chức một bữa tiệc lớn hay buổi gặp mặt gia đình đều hiểu rằng, có những câu chuyện không nên xuất hiện trên bàn ăn. Bữa tối tại Thượng đỉnh G20 cũng vậy.
Thời gian qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới có lập trường ngày một khác. Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, còn Nga lại hành động khó đoán hơn. Lời đe dọa của Ankara về trục xuất 10 Đại sứ từ các nước, 4 trong số đó thuộc G20, cùng việc Thủ tướng Italy Mario Draghi gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là “độc tài”, có thể khiến Thượng đỉnh G20 lần này thêm sóng gió.
Trong bối cảnh đó, tìm kiếm lợi ích chung, biến bữa tối ngày 30/10 thành buổi gặp mặt dễ chịu là yếu tố then chốt để G20 tiếp tục có chỗ đứng đặc biệt trong các diễn đàn đa phương toàn cầu.
May mắn thay, Thủ tướng Italy Mario Draghi không còn lạ lẫm với chuyện cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích, dù là ở Ngân hàng Trung ương châu Âu nơi ông từng công tác hay trong chính phủ liên minh hiện tại. Trong bối cảnh trên, nhà lãnh đạo này nhiều khả năng sẽ đề xuất thảo luận về những vấn đề quan tâm chung với khả năng hợp tác cao, tránh gây thêm bất đồng, chia rẽ nội bộ G20.
Trong may có rủi
Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 ngày 30/10 tới có thể giúp công việc của ông Draghi dễ dàng hơn.
Năm 2009, người tiền nhiệm của ông Tập từng từ chối tham dự một cuộc thượng đỉnh khác tại Italy, G8 L’Aquila, dù khi đó, Trung Quốc đóng vai trò “khách mời” hơn là thành viên tương đương. Sự vắng mặt của đại diện từ Bắc Kinh có thể khiến việc tìm kiếm đồng thuận trong các vấn đề liên quan đến quốc gia châu Á trở nên dễ dàng hơn.
Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 khiến công việc của nước chủ nhà Italy dễ dàng hơn, song có thể để lại hệ quả đáng kể với cộng đồng quốc tế trong tương lai gần. (Nguồn: Wikimedia Commons) |
Tuy nhiên, trong may có rủi. Có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình không còn thấy thoải mái khi tham dự các cuộc gặp có quy mô hẹp, thiếu cấu trúc rõ ràng như G20. Ông thà bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ những nhà lãnh đạo khác, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, hơn là bị “tấn công” và phải chịu chỉ trích từ phương Tây như dưới thời ông Donald Trump.
Đáng ngại hơn, Trung Quốc dường như không còn mặn mà với các cơ chế hay sáng kiến đa phương rộng như trước. Thay vào đó, Bắc Kinh tập trung thúc đẩy những cơ chế đa phương hẹp do nước này khởi xướng hoặc ít nhất, đóng vai trò then chốt.
Điều này có thể để lại hệ quả đáng kể. Thế giới không thể chấm dứt đại dịch Covid-19, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hay khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế mà thiếu vắng đóng góp chủ động, tích cực từ cường quốc lớn thứ hai thế giới.
Các nước G20 cần đưa Trung Quốc cùng với Mỹ, trở lại bàn thảo luận với lập trường hợp tác hơn. Song nó không có nghĩa là đáp ứng mọi yêu cầu từ Bắc Kinh. Các bên cần hiểu rõ hơn về nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này đang trải qua giai đoạn thay đổi phức tạp về kinh tế-xã hội. Khi đó, điều G20 có thể làm là ghi nhận thành tựu, đóng góp quốc tế của Bắc Kinh công tâm và hợp lý.
Trên thực tế, Bắc Kinh cũng đã có nỗ lực nhất định. Một thành tựu lớn của Italy trong năm Chủ tịch G20 là đưa Trung Quốc tham gia Khung Cơ sở về xử lý nợ được khởi xướng tháng 11/2020, hỗ trợ các nước thu nhập thấp xóa các khoản nợ khó chi trả.
Tháng 9 vừa qua, 12 nước đã thành lập hội đồng chủ nợ, với Trung Quốc làm đồng chủ trì, để thương thảo với Ethiopia cùng với Chad và Zambia về thanh khoản nợ xấu. Hầu hết khoản nợ của những nước này đến từ Trung Quốc.
Thế giới không thể chấm dứt đại dịch Covid-19, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hay khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế mà thiếu vắng sự đóng góp chủ động, tích cực từ cường quốc lớn thứ hai thế giới. |
Đây là minh chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với G20 trong một số vấn đề cụ thể.
Ví dụ, Trung Quốc không phải là thành viên của nhóm chủ nợ Câu lạc bộ Paris và không muốn tham gia các cơ chế trong khối G7 có thể tác động đến quyền tự chủ của nước này. Trung Quốc cũng có những yêu cầu cụ thể về tính minh bạch và các điều khoản có thể tiết lộ. Đây là chi tiết Indonesia, nước Chủ tịch G20 năm tới, có thể lưu ý để đưa Trung Quốc trở lại với G20.
Còn với Italy, đây là lúc Thủ tướng Mario Draghi tận dụng những mối quan hệ cá nhân được xây dựng trong năm Chủ tịch để thúc đẩy nghị trình trong bữa tối Thượng đỉnh G20 ngày 30/10 tại Rome, trước khi kết thúc sự kiện đặc biệt này bằng “bức ảnh gia đình” thân thiện và hòa hợp.