Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, ngày 14/11. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 14/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ song phương và những vấn đề lớn của khu vực, thế giới.
Đưa quan hệ trở lại bình thường
Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra tình trạng của quan hệ Trung Quốc-Mỹ hiện tại không phục vụ các lợi ích cơ bản của hai nước và người dân hai nước, và không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi.
Theo ông, Trung Quốc và Mỹ cần có tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử, đối với thế giới và đối với người dân, tìm ra con đường đúng đắn để hòa hợp với nhau trong kỷ nguyên mới, đưa mối quan hệ quay trở lại đúng hướng, đưa nó trở lại con đường hướng tới mục tiêu tăng trưởng lành mạnh và ổn định vì lợi ích của cả hai quốc gia và toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, quan hệ Trung Quốc-Mỹ không nên là một “trò chơi có tổng bằng 0”, với một bên cạnh tranh hoặc phát triển mạnh hơn gây tổn hại tới bên còn lại. Thành công của Trung Quốc và Mỹ là cơ hội chứ không phải thách thức của nhau.
Thế giới đủ rộng lớn để hai nước cùng phát triển và thịnh vượng. Hai bên cần hình thành nhận thức đúng đắn về chính sách đối nội, đối ngoại và ý định chiến lược của nhau. Tương tác giữa Trung Quốc-Mỹ cần được xác định bằng đối thoại và hợp tác cùng có lợi, chứ không phải đối đầu và cạnh tranh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc bổ sung, hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình, theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi và hợp tác để đảm bảo rằng quan hệ Trung Quốc-Mỹ sẽ tiến về phía trước theo đúng hướng mà không xảy ra va chạm.
Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp báo sau đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Joe Biden cho biết, họ đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn về nhiều vấn đề đang khiến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, ông Biden nói rằng, một cuộc chiến tranh lạnh mới là không cần thiết và Trung Quốc hiện không lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh lạnh.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, cả Bắc Kinh và Washington đều tiến hành những nỗ lực thầm lặng trong 2 tháng qua để hàn gắn quan hệ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đã nói với các phóng viên ở Bali (Indonesia) rằng, cuộc gặp thượng đỉnh này nhằm ổn định mối quan hệ và tạo ra một "bầu không khí chắc chắn hơn" cho các doanh nghiệp Mỹ.
Bà cho biết, Tổng thống Biden đã nói rõ với Chủ tịch Trung Quốc về những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến các hạn chế đối với các công nghệ nhạy cảm của Mỹ và bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của nền kinh tế hàng đầu châu Á.
“Lằn ranh đỏ” đầu tiên
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) là “lằn ranh đỏ đầu tiên” không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nền tảng của nền tảng chính trị Trung Quốc-Mỹ và là "lằn ranh đỏ" đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ hai nước.
Nhà lãnh đạo nói thêm, bất cứ ai tìm cách tách Đài Loan (Trung Quốc) khỏi Trung Quốc sẽ vi phạm các lợi ích cơ bản của quốc gia Trung Quốc; người dân nước này sẽ tuyệt đối không để điều đó xảy ra.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết, ông đảm bảo với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan (Trung Quốc) không thay đổi, đồng thời tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại đây.
Vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Triều Tiên, Mỹ sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
Ông Biden nói với ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc có nghĩa vụ cố gắng thuyết phục Triều Tiên không nối lại các vụ thử hạt nhân, mặc dù không rõ liệu Bắc Kinh có thể lay chuyển được Bình Nhưỡng hay không.
Trước cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden sẽ cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phát triển vũ khí sẽ dẫn đến tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, điều mà Bắc Kinh không muốn thấy.
Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ họ có nghĩa vụ phải cố gắng nói rõ với Triều Tiên rằng nước này không nên tiến hành một vụ thử hạt nhân".
Khi được hỏi về khả năng của Bắc Kinh trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng không thử vũ khí hạt nhân, ông Biden nói, ông không chắc liệu Bắc Kinh "có thể kiểm soát" nước láng giềng và đồng minh của mình hay không.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Tôi tin rằng Trung Quốc không muốn Triều Tiên tham gia vào các biện pháp leo thang hơn nữa”.
Xung đột Nga-Ukraine
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu như cuộc khủng hoảng ở Ukraine, điều quan trọng là phải suy nghĩ nghiêm túc về những điều sau: Thứ nhất, không có ai là người chiến thắng trong xung đột và chiến tranh; thứ hai, không có giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp và thứ ba, phải tránh đối đầu giữa các nước lớn.
Trung Quốc đã đứng về phía hòa bình và sẽ tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình. Bắc Kinh ủng hộ và mong muốn các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine được nối lại.
Đồng thời, Trung Quốc hy vọng rằng, Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành các cuộc đối thoại toàn diện với Nga.
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều coi cuộc gặp ngày 14/11 là có chiều sâu, thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Hai bên đã chỉ đạo cho cấp dưới nhanh chóng tiếp tục và thực hiện các hành động cụ thể để đưa quan hệ Trung Quốc-Mỹ trở lại đà phát triển ổn định, đồng thời nhất trí duy trì liên lạc thường xuyên.
| Hội nghị thượng đỉnh EU: Quan hệ với Trung Quốc sẽ được 'định danh'? EU đã từng cân nhắc có nên coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh hay không. Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ ... |
| Tình hình Ukraine: Nga thông báo về tổn thất mới nhất của Kiev, cảnh báo Đức 'vượt qua ranh giới đỏ' Trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 12/9, Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev cảnh báo Đức đã vượt qua ranh giới đỏ ... |
| Sứ mệnh mới của tình báo Mỹ: Hiểu rõ và chi tiết hơn về Trung Quốc Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết Mỹ muốn hiểu rõ và chi tiết hơn về Trung Quốc. Điều này buộc Cơ quan ... |
| 'Nút thắt cổ chai' khủng hoảng lương thực toàn cầu có được mở sau thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga-Ukraine? Các thỏa thuận liên quan đến việc khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine mang lại hy vọng giải ... |
| Nga quyết mở cửa Biển Đen, gỡ nút thắt khủng hoảng lương thực, Ukraine chỉ việc xuất hàng? Biển Đen - nút thắt của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều gì xảy ra nếu lệnh phong tỏa Biển Đen được dỡ ... |