Với tuyến Việt Nam - Trung Quốc, thương mại hai chiều đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1%. Tuy nhiên, nhập khẩu trong năm 2015 tăng 40% so với năm 2014, đạt 3.176,6 triệu USD, nhưng xuất khẩu giảm 12,1%, đạt 2.665,7 triệu USD. Trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 227,1 triệu USD, tăng hơn 188% so với năm 2014. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là ba nhóm: nông, lâm, thủy hải sản. Các mặt hàng nhập khẩu gồm hai nhóm chính là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam qua Trung Quốc vẫn xảy ra tình trạng ách tắc, ép giá.
Theo Bộ Công Thương, thương mại biên giới thời gian qua chưa thực sự sôi động, phong phú; hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc theo hình thức chợ, không có hợp đồng mua bán trước với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào mùa vụ khiến khả năng thông quan cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp bên Trung Quốc lợi dụng ép giá, gây nên tình trạng ùn tắc cửa khẩu, làm thiệt hại về kinh tế, khiến dư luận bức xúc và áp lực cho cơ quan quản lý. Mặt khác, các sự việc bất thường liên quan đến thương mại biên giới xảy ra tại khu vực cửa khẩu chưa được cập nhật kịp thời; việc cung cấp thông tin khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam về những thay đổi điều hành, quản lý biên mậu phía Trung Quốc vẫn còn thiếu.
Đối với thương mại biên giới Việt - Lào, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đạt 1,1 tỷ USD. Song hàng hóa của Việt Nam hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Thái Lan, Trung Quốc.
Đối với thương mại biên giới Việt Nam- Campuchia xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới ước đạt 3,05 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: hàng nông sản, hải sản, sản phẩm công nghiệp, sắt thép…, ta nhập khẩu chủ yếu: cao su, hàng nông sản, và các sản phẩm gỗ…