Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023), ngày 18/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà) |
Sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Năm nay, Diễn đàn thu hút khoảng hơn 2.500 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam.
Khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử, Diễn đàn tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới.
"Thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, Smart E-commerce là câu chuyện dài mà rất nhiều các chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử... chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm nay", ông Dũng thông tin.
Theo bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen Việt Nam, hiện xu hướng phổ biến là người tiêu dùng mua sắm theo cách thông minh hơn gắn với lối sống “lạc quan trong thận trọng”. Nghiên cứu của Nielsen tập trung vào nhóm người tiêu dùng có thu nhập phục hồi sau đại dịch và nhóm người thận trọng trong mua sắm (cũng là nhóm người tiêu dùng chiếm phần lớn thị trường) cho thấy, họ chọn mua tại các cửa hàng có mức giá thấp hơn, chuyển sang mua sắm online để tiết giảm chi phí, chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu và các nhãn hàng tự sản xuất để có mức giá thấp.
Việc số hóa hoạt động kinh doanh, ứng dụng thương mại điện tử thông minh cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành ACCESSTRADE Việt Nam, cho biết, thương mại điện tử không chỉ giới hạn trong bán hàng hóa mà mở rộng tới mảng bán các dịch vụ. Bên cạnh đó, việc kinh doanh trên thương mại điện tử đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính: Bán hàng qua hoạt động marketing; mở shop trên mạng xã hội; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và điểm bán quét QR…
Một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm đã được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích tại Diễn đàn, như: Tổng quan về thị trường và những xu hướng nổi bật 2023; Khám phá thương mại hội thoại nâng cao với Meta; Mô hình phân phối mới và phương pháp sử dụng hiệu quả KOC/KOL; Chiến lược thông minh để tăng trưởng qua những câu chuyện thực tế; Sức mạnh của kết nối trong công nghệ Headless & Open API; AI ứng dụng trong thương mại điện tử - Tinh giản và hiệu quả.
Giải pháp tài chính thông minh cho thương mại điện tử; Phương pháp tăng trưởng đơn hàng thông minh trên Amazon dành cho SMEs xuất khẩu trực tuyến; Case study từ các thương hiệu lớn triển khai chiến dịch thương mại điện tử hiệu quả: Branding và Performance; Case study về quy trình ứng dụng công nghệ tối ưu quản trị hoạt động thương mại điện tử trong Bán Lẻ - F&B - Xuất khẩu trực tuyến...
Các diễn giả trao đổi tại VOBF 2023. (Ảnh: Ngọc Hà) |
Bên cạnh các phiên chính với sự tham gia của nhiều chuyên gia, năm nay, Diễn đàn còn có phiên kết nối (networking) các chuyên gia với người tham dự tại sự kiện vào cuối ngày. Đây là một hoạt động mới trong khung chương trình VOBF các năm qua, tạo ra nhiều hoạt động kết nối, giao thương, học hỏi từ chính những người tham dự.
Theo VECOM, sau hai năm đại dịch Covid-19, ngành thương mại điện tử đã bước vào năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. Dù vậy, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại nước ta, đặc biệt là những tháng cuối năm và kéo dài sang năm 2023.
VECOM ước tính, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.
Sang năm 2023, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm tổng sản phẩm trong nước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%. Hai ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,0%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%.
Rõ ràng, những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý I và có thể đến hết năm 2023. Trong bối cảnh khó khăn đó, VECOM đánh giá thương mại điện tử của quý I tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%.
Như vậy, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định. Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với nước láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp.
Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo cộng đồng thương mại điện tử. Sau 6 năm tổ chức, Diễn đàn đã tạo ra sức lan tỏa rộng khắp, trở thành một điểm đến giá trị và nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cập nhật thông tin, đưa ra bức tranh tổng quan về ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Diễn đàn năm nay có sự đồng hành của hơn 50 doanh nghiệp/ nhà tài trợ trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây cũng là sự kiện thường niên và là tâm điểm chú ý của cộng đồng thương mại điện tử hàng năm. VOBF sau mỗi năm tổ chức đều tạo ra sức lan tỏa lớn và rộng trong cộng đồng. Diễn đàn năm 2023 có hơn 2.000 người tham dự cùng 50 chuyên gia và 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ tham dự Diễn đàn, đồng thời có sự góp mặt hơn 30 nhà tài trợ. |