Một hoạt động của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. |
Trả lời phỏng vấn BBC về quan hệ giữa EU và Việt Nam, ông Rolf Bergman cho biết về kinh tế, EU càng hồi phục kinh tế sớm thì Việt Nam càng có lợi vì Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của EU. Về thay đổi khí hậu, Việt Nam là một trong các quốc gia sẽ bị tác động nặng nề của thay đổi khí hậu. Vì vậy, EU hy vọng sẽ hợp tác với Việt Nam trong quá trình đàm phán tại hội nghị Copenhagen. "Tôi cho rằng khi thế giới có thêm hành động, quốc gia được hưởng lợi chính là Việt Nam", ông Rolf Bergman nói.
Một trong các ưu tiên trong nghị trình giữa EU và Việt Nam trong năm nay sẽ là Hiệp định về đối tác hợp tác (PCA) và hiệp định tự do thương mại. Tiến trình đàm phán sẽ bắt đầu sớm và hy vọng chúng sẽ hoàn tất trong nay mai. Một điểm nữa trong nghị trình chung của EU đó là tiếp tục đối thoại về nhân quyền với Việt Nam.
Về chương trình giúp Việt Nam chống tham nhũng của các chính phủ EU, trong đó có Thụy Điển , trong sáu tháng tới, Thụy Điển không chỉ làm công việc như mọi khi mà sẽ làm việc cùng với các thành viên khác của EU. Thụy Điển muốn đại diện cho các quốc gia thành viên EU, các quốc gia đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam để nói rằng chuyện chống tham nhũng luôn có vị trí cao trong nghị trình và theo nhiều cách thức khác nhau. Mỗi quốc gia thành viên có chương trình trợ giúp khác nhau.
Cụ thể, Thụy Điển sẽ giúp Việt Nam có một nền hành chính tốt để chống tham nhũng. Thụy Điển hỗ trợ Thanh tra chính phủ, một trong các thể chế quan trọng tại Việt Nam, từ trung ương cho đến địa phương, thực hiện công việc này với cách thức khác nhau. Các chuyên gia từ Thụy Điển sẽ đến Việt Nam để giảng dạy và mời quan chức Việt Nam sang dự khóa học tại Thụy Điển. Thụy Điển muốn giúp đỡ về cách tổ chức chống tham nhũng.
Trong chuyện chống tham nhũng, giới ký giả và truyền thông đại chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thụy Điển đã tổ chức các khóa học cho ký giả nhằm nâng cao nhận thức. Chúng tôi đưa nhà báo Thụy Điển sang Việt Nam, mở các khóa huấn luyện. Một trong những bài giảng trong chương trình là làm sao trở thành một ký giả tốt, góp phần vào việc phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng.
Về ODA song phương mà Thụy Điển dành cho Việt Nam, Đại sứ Rolf Bergman cho biết trong 5 năm tới Thụy Điển sẽ giảm dần ODA, đến 2013 chấm dứt chương trình này, thay vào đó, Thụy Điển muốn gia tăng quan hệ song phương, trong các lĩnh vực mậu dịch, đầu tư, du lịch.
Thụy Điển và Việt Nam đã có quan hệ 40 năm. "Chúng tôi cho rằng, và hy vọng rằng, Thụy Điển đã giúp Việt Nam phần nào trong giai đoạn phát triển khá ấn tượng vừa qua. Chúng tôi muốn giúp với khả năng cao nhất có thể", Đại sứ Rolf Bergman nói.
Mai Lam (g/t)