Nữ nhà văn Selma Lagerlof. |
Cuốn tiểu thuyết Những phép lạ của kẻ chống Chúa (1897) được viết sau chuyến Lagerlöf đi Italy về. Bà vẫn dùng thủ pháp pha lẫn hiện thực hiện đại với hư cấu truyền thuyết để đề cập những vấn đề chính trị - xã hội. Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ XIX, tại đảo Sicilia nghèo khổ. Nhưng rồi đường xe lửa được đặt, đời sống tốt lên do một loạt phép lạ của chủ nghĩa xã hội, học thuyết chống Chúa Kito.
Người ta tranh luận nhiều về thái độ Selma Lagerlöf chống triết lý chủ nghĩa xã hội đến đâu; có thể là bà cũng nhận thấy khả năng chủ nghĩa xã hội cải thiện điều kiện cuộc sống vật chất của con người, nhưng bà muốn tổng hợp và hòa giải chủ nghĩa xã hội với đạo Kitô. Câu chuyện một ấp (1899) phản ánh khuynh hướng tư tưởng ở châu Âu cuối thế kỷ XIX thích khoa học huyền bí và phân tích tâm lý phức tạp.
Một chuyến đi Jerusalem và Ai Cập đã gợi ý cho Lagerlöf viết Jerusalem I, II (1901, 1902). Cuốn tiểu thuyết miêu tả những nông dân cuồng tín theo giáo phái "phục hồi Cựu giáo" (revivalism), bỏ ruộng đồng Thụy Điển để di cư sang Đất thánh Jerusalem sống như thời Chúa Jesus. Họ trải qua nhiều đau khổ và muôn vàn khó khăn. Cuối cùng, một số nhân vật chính trở về nông thôn Thụy Điển tiếp tục sống như trước đó, đúng với giáo lý ông cha. Chỉ còn một nhóm nhỏ trung kiên kiên trì ở lại Jerusalem.
Tập truyện ngắn trữ tình Truyền thuyết về Chúa Kito (1904) đề cao đạo Kito, sức mạnh tinh thần cho Chúa Kito hội trai trẻ với những người xung quanh.
Tác phẩm lớn, nổi tiếng thế giới không kém gì Gästa Berling là Những truyện phiêu lưu của Nils Holgersson (1906-1907). Đây là cuốn sách làm theo đơn đặt hàng, Lagerlöf nhận viết một cuốn sách dạy địa lý Thụy Điển cho học sinh tiểu học, bà đã sáng tác dưới hình thức truyện thần tiên. Có lẽ, bà chú ý đến sự hấp dẫn hơn là kiến thức. Nhân vật chính là những con vật biết suy nghĩ, hành động với dáng dấp con người, chúng có sức mạnh giáo dục về tinh thần đoàn kết kiểu như Chuyện Rừng (The Jungle book) của nhà văn Anh R.Kipling.
Mặc dù mới đầu bị các giáo viên phản đối, tác phẩm dày 500 trang của Lagerlöf đã chinh phục trường học Thụy Điển, trẻ em trong nước và trên thế giới; đến nay, sách đã được dịch sang hơn bốn chục ngữ, kể cả tiếng Việt. Chuyện kể về Nils, chú bé 14 tuổi tinh nghịch trêu ghẹo một con quỷ nhỏ và bị nó biến thành một cậu tí hon. Thế là chú bay trên khắp đất nước, biết được người và vật, truyền thuyết các địa phương. Sau sáu tháng chú về nhà, lại lớn lên như cũ, biết cư xử tốt với mọi người và các con vật.
Truyện Người đánh xe Thần chết (1912) nói lên sự quan tâm đối với cái huyền bí. Chuyện kể một công nhân tốt trở nên nghiện rượu, hành hạ vợ; vợ bỏ đi. Anh ta định tự tử cùng các con vào đêm giao thừa. Một cô mộ đạo chết đêm đó đã đánh cỗ xe ma vào cứu thoát anh ta. Truyện có tính phê phán xã hội đã được quay thành phim nổi tiếng Chiếc xe ma. Truyện Hoàng đế Bồ Đào Nha (1914) kể về một ông già bị mất trí khi con gái của ông trở thành nạn nhân cho thành phố lớn. Nó đã ra đi không trở về nhà nữa. Ông bị hoang tưởng, cho mình là hoàng đế Bồ Đào Nha.
Hồn người sẽ làm chứng (1912) là truyện ngắn phản ánh lòng tin của tác giả vào chiến thắng của cái Thiện, nhu cầu sám hối, tinh thần tôn giáo kết hợp với khoa học huyền bí. Câu chuyện phần lớn xảy ra ở thế giới bên kia, khi hồn thoát khỏi xác. Việc miêu tả sự ốm đau và thiếu thốn vô hình chung mang tính hiện thực phê phán.
Thế chiến 1914 -1918 là một đòn đánh vào lòng tin cái Thiện của Lagerlöf. Kẻ bị ruồng bỏ (1918) kể về người tham gia một cuộc thám hiểm Bắc Cực, do hoàn cảnh sống còn buộc phải ăn thịt người. Sau đó, người ấy sống ẩn tích, cố tìm nguồn an ủi trong tình yêu mọi người.
Lagerlöf dành phần cuối cuộc đời viết tự truyện về thời thơ ấu và thanh niên. Bà còn viết một bộ tiểu thuyết ba tập về những người thuộc gia đình Lövenskold; khung cảnh vẫn là miền quê hương Varmland với những chuyện ma quỷ rùng rợn theo phong cách lãng mạn chủ nghĩa, đời sống nông dân ở ấp xưa với các vấn đề khá rắc rối.
Selma Lagerlöf chiếm một vị trí đặc biệt trong văn học Thụy Điển và thế giới. Nhà viết tiểu thuyết Thụy Điển hiện đại nổi tiếng S. Delblanc đã giải thích, Lagerlöf tiêu biểu cho tính chất Thụy Điển, tính chất Bắc Âu, địa phương tỉnh nhỏ, tất cả bắt nguồn từ những truyền thuyết Băng Đảo được diễn tả bằng kỹ thuật kể chuyện truyền khẩu dân gian; nội dung và lời kể giản dị, hấp dẫn, chứa đựng đạo lý đơn giản, kết hợp thực và hư một cách tuyệt vời.
Thể loại tiểu thuyết Thụy Điển tiếp tục truyền thống cũ ấy nên không bị khủng hoảng như ở Tây Âu, nơi văn học mang tính chất hàn lâm và tư sản hơn. Nghệ thuật kể chuyện dân gian địa phương tỉnh nhỏ tồn tại trong trại ấp nông thôn. Truyện thường do phụ nữ kể; phụ nữ có thực quyền trong cuộc sống. Chủ đề của Selma Lagerlöf là lòng tin vào sức mạnh giải phóng và an ủi của tình yêu, tình yêu của nữ giới; bằng tình yêu, phụ nữ cứu vớt nam giới, kéo họ về với gia đình, cộng đồng.
Quan niệm này ngược với quan niệm thù ghét phụ nữ và gia đình của Strindberg. Lagerlöf có nhãn quan phiếm thần; trong sáng tác, bà khai thác yếu tố thần kỳ và huyền ảo mỗi khi tình yêu của nữ giới phải đương đầu với thử thách gay go... Thần thoại Bắc Âu với bà nhiều khi mang tính biểu hiện chủ nghĩa-rất hợp với tâm tính Đức.
Phong cách của Lagerlöf có thể có lúc lãng mạn hơi lỗi thời, hơi ủy mị, nhưng luôn luôn hấp dẫn vì tài kể chuyện, đậm đà tính người, lòng tin vào sự tích cực đem lại hài hòa cho cuộc sống hỗn mang.