Các đại biểu tham dự Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8, tối 5/11, tại Hà Nội. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) |
Tham dự lễ trao giải có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Lễ trao giải do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì tổ chức.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Hội đồng, Ban tổ chức Giải thưởng năm nay; đồng thời, chúc mừng các tác giả đã đoạt giải và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Hội đồng, Ban tổ chức Giải thưởng. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) |
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, thời gian tới lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần nhận thức sâu sắc về cơ đồ, vị thế, uy tín của đất nước, về bối cảnh của tình hình quốc tế, khu vực, nhận thức rõ “nguy và cơ”, để tăng cường tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh thông tin đa chiều thì công tác thông tin đối ngoại phải giúp cho người dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ, thêm tin yêu Việt Nam. Tuyên truyền về một Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định luôn nỗ lực hợp tác, vì hoà bình của khu vực và thế giới, luôn sẵn sàng mời gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin về tình hình quốc tế, giới thiệu tiến bộ khoa học công nghệ, tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị mang tính phổ quát phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và văn hóa Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú thêm kho tàng tri thức văn hóa Việt Nam, thúc đẩy hoạt động tiếp xúc giao lưu hợp tác, đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc thù địch, nhất là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Qua đó, kịp thời lên án, phê phán đấu tranh với những hành vi phi văn hóa ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
"Các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, cần thể hiện rõ tính tiên phong đi trước, mở đường, đột phá trong chuyển đổi phương thức thông tin đối ngoại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông trên nền tảng số, truyền thông xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trực tiếp và trực tuyến; xây dựng đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên, chuyên gia có bản lĩnh chính trị, am hiểu tình hình đất nước và quốc tế, tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời xu hướng truyền thông hiện đại", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả và đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) |
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ trong vòng 4 tháng phát động giải thưởng (từ tháng 4-8/2022), Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm dự thi, tăng 11% so với Giải thưởng lần thứ 7, nhiều nhất trong các kỳ giải thưởng.
Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 14 ngôn ngữ, gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha và Đức. Trong đó, số lượng các tác phẩm tiếng nước ngoài là khoảng 200 tác phẩm. Số lượng tác phẩm/sản phẩm của các tác giả người nước ngoài, kiều bào là 70 tác phẩm.
Các tác phẩm, sản phẩm dự thi có nội dung phong phú, đa dạng, tiếp cận được công nghệ truyền thông hiện đại, có giá trị thông tin đối ngoại, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.
Các tác phẩm đã phản ánh những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại quan trọng của Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng trên mọi lĩnh vực; dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá, trí tuệ Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực trong phòng chống và phục hồi sau dịch bệnh…
Qua các vòng chấm giải, Hội đồng Giải thưởng đã quyết định trao cho 112 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: 10 giải Nhất, 21 giải Nhì, 30 giải Ba và 51 giải Khuyến khích. Đồng thời, Hội đồng dành sự tôn vinh đặc biệt cho “Cộng đồng người hâm mộ Việt Nam trong SEA Games 31”, lực lượng đã góp phần quan trọng vào thành công của SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam và giới thiệu với thế giới về một Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện, hiếu khách, giàu truyền thống lịch sử văn hóa.
Năm nay, các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao đoạt 1 giải Nhì (Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO), 4 giải Ba (Báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Vụ Chính sách đối ngoại và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh) và 7 giải Khuyến khích (Học viện Ngoại giao; Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh; Báo Thế giới và Việt Nam; Vụ Tuyên truyền, Thông tin và Tư liệu, Ủy ban Biên giới quốc gia; và Vụ Thông tin Báo chí).
Nhóm phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) |
Nhóm tác giả đoạt giải của Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm với Trợ lý Bộ trưởng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Phóng viên Thu Trang, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Ba, với loạt bài "Bảo hộ công dân Việt Nam ở Ukraine" chia sẻ: Loạt bài phản ánh chân thực nhất bức tranh toàn cảnh, theo sát từng bước chân của những người con xa xứ được trở về trong vòng tay yêu thương của quê hương. Đồng thời nêu bật công tác triển khai tổng lực trên nhiều mặt trận ngoại giao, tận dụng mọi biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người Việt Nam tại Ukraine.
Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau vì “nghĩa đồng bào” của dân tộc ta càng phát huy mạnh mẽ. Cùng với đó, chia sẻ của người trong cuộc trực tiếp tham gia bảo hộ công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine để giúp độc giả thấy được ở mỗi Cơ quan đại diện Việt Nam lại có một câu chuyện, cách thức hỗ trợ bà con và cảm xúc riêng, nhưng tất cả đều có một điểm chung là sự đồng cảm, thấu hiểu và trách nhiệm.
“Và khi chúng ta thấy những giọt nước mắt hạnh phúc khi gặp lại người thân, những chia sẻ vội rằng ‘thật sự may mắn, biết ơn và tự hào về quê hương mình’. Đó là cảm nhận của những công dân vừa từ nơi nguy hiểm trở về, đó là thành quả ngọt ngào nhất của công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, qua đó khắc họa rõ nét nhất chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, phóng viên Thu Trang chia sẻ.