Theo Tiến sĩ Cù Văn Trung, chúng ta nên tham khảo phương pháp giáo dục của quốc tế và các nước trong khu vực. (Ảnh: NVCC) |
Muốn thế hệ trẻ tự tin, bản lĩnh, phải quan tâm các yếu tố “đầu vào”
Thị trường giáo dục Việt Nam đang mở ra cơ hội và thách thức gì đối với các bạn trẻ?
Hiện nay, đất nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Trước bối cảnh như vậy, đối tượng được mọi người quan tâm và mong đợi nhất là thế hệ trẻ.
Trước hết, đây là bài toán mà bất kỳ quốc gia, dân tộc nào cũng kiếm tìm lời giải, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói đại ý như sau: Hỡi các bạn trẻ. Hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một triệu đô sạch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng từng chỉ dạy: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”.
Có thế thấy, đào tạo thế hệ những người trẻ có bản lĩnh, trí tuệ không chỉ là mong muốn của mỗi bạn trẻ mà còn là khát vọng của mọi dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên là các nước đều bắt đầu từ việc giáo dục và đào tạo, Việt Nam ta cũng không phải là ngoại lệ.
Theo tôi, trung học phổ thông là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với các bạn trẻ để họ có những nhận thức ban đầu một cách nền nếp, tư duy về thế giới quan, về con người, xã hội một cách cơ bản và đúng đắn.
Từ nền tảng này, mọi lối rẽ của từng cá nhân chính là sự lựa chọn có trách nhiệm với chính mình. Có người đi học nghề, có người theo đuổi sự học cao hơn.
Nếu các bạn cảm thấy thiếu hụt kiến thức và các kỹ năng làm việc thì phải bồi dưỡng cho mình thông qua các công cụ tìm kiếm từ internet, sách báo, bạn bè… Chỉ khi các bạn trẻ lành nghề, thạo việc và hiểu biết cuộc sống một cách đúng đắn thì bản lĩnh, sự tự tin mới được hiện diện một cách tự nhiên.
Nhiều người muốn biết làm cách nào để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài? Ý kiến của ông thế nào?
Thắc mắc này thể hiện phần ngọn của vấn đề và cũng toát lên sự “nóng ruột” của phần lớn chúng ta. Muốn thế hệ trẻ tự tin và bản lĩnh thì phải quan tâm các yếu tố “đầu vào” như truyền thống gia đình, giáo dục từ thuở ấu thơ và ảnh hưởng của cộng đồng xã hội.
Tất cả những yếu tố đúng đắn, phù hợp và chuẩn mực đó phải được bồi đắp và nâng niu trong tâm trí cũng như được dưỡng dục hằng ngày. Nếu tiếp tục được bồi đắp và tự thân không ngừng học hỏi thì bản lĩnh cũng từ đây mà tiếp tục nảy nở.
Còn với các bạn trẻ ở nhiều vùng nông thôn, khó khăn về các điều kiện ban đầu thì hành trình để mình trở lên tự tin hơn là tương đối vất vả và mất thời gian. Sự vất vả đó là một quá trình mà họ tự giác nhặt nhạnh các yếu tố thiếu như về văn hóa, tri thức, xã hội... để làm giàu trí tuệ, vốn sống và phông kiến thức của mình.
Có thể nói, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng phải tính đến yếu tố môi trường, sự tâm huyết của những thế hệ đi trước. Tính bao dung, sự kiên nhẫn và cả chi phí kinh tế đáng kể để chúng ta có được một lực lượng được gọi là... nhân tài.
Các bạn trẻ tốt nghiệp với tầm bằng loại ưu tại nhiều trường đại học lớn nhưng khi các đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận lại khó sử dụng theo tiêu chuẩn của họ. Vì vậy, cần thời gian để tích hợp hai môi trường giữa lý thuyết và thực hành để có một số nhân lực “vừa hồng vừa chuyên”.
Có ý kiến cho rằng không ít nhà trường đào tạo sinh viên không tính toán đến yêu cầu của xã hội. Nhưng đôi khi chính những kiến thức được đào tạo trong nhà trường tiến bộ hơn thực tế của xã hội chúng ta.
Nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các nước ASEAN
Theo ông, cần làm gì để có nền giáo dục thực tài, tiến tới hội nhập quốc tế?
Vấn đề nhân tài cũng là chủ đề được bàn cãi rất nhiều trong những thập niên trở lại đây. Chúng ta có nhiều chương trình, chính sách được ban hành nhằm quy hoạch, đào tạo, khơi dậy và thu hút người thực tài để họ đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta có hệ thống các trường chuyên, là một trong những mô hình được kỳ vọng, ở bậc đại học có hệ cử nhân chất lượng cao, hệ cử nhân tài năng...
Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào đào tạo ra người tài không phải là dễ dàng. Theo hệ thống đánh giá thang điểm và chuẩn mực giáo dục hiện nay ở các cấp học thì mặc nhiên chúng ta thầm hiểu tài năng là những người thành danh thông qua thì cử với điểm số cao.
Việc chạy theo thành tích và các kỳ thi nếu không được cân đối sẽ vô tình tạo ra hiện tượng đối phó, “học gạo”, “học tủ” để cốt sao đạt được mức điểm tối ưu. Chúng ta thấy, điểm số thi cử đạt kết quả cao khiến các bậc cha mẹ, thầy cô vui.
Tuy nhiên, với người thực tài, họ có những niềm vui khác, nó đến từ sự khám phá, chinh phục trí thức một cách rất tự nhiên, rất kín đáo và âm thầm.
Thực tế, chúng ta chưa biết lắng nghe và cảm nhận những khác biệt đó. Chúng ta đang lấy nhiều cái chuẩn để đánh giá và đo đạc ý thức, suy nghĩ và hành động của học sinh, sinh viên.
Chúng ta đều biết phần lớn những bậc trí giả, những người thực học, việc tự học, tự nghiên cứu tìm tòi là hướng đi của họ.
Giáo dục thực tài như cách bạn đặt câu hỏi cho tôi cũng cần phải được gợi mở như thế, tức là chúng ta nên rộng rãi hơn, khai phóng hơn và cũng nhẹ nhàng hơn với giáo dục mọi cấp.
Khơi gợi mọi tiềm năng và đam mê của từng cá nhân phải là trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của phụ huynh và thầy cô. Triệt tiêu những ý nghĩ, quan điểm của học sinh mà chúng ta cho là vu vơ, lãng xẹt hay những sở thích, sở trường của một học trò nếu không cẩn thận sẽ làm “héo úa” và bóp nghẹt mọi sự sáng tạo của một con người.
Chúng ta cần có một nền giáo dục trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi và những giá trị cần thiết để tham gia tích cực và có trách nhiệm trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng này.
Sinh viên tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng y dược ASEAN. (Nguồn: Trường Cao đẳng Y dược ASEAN) |
Nghĩa là, chúng ta nên tham khảo các phương pháp giáo dục của những nước trên thế giới và ASEAN?
Trong khi chúng ta đang loay hoay đi tìm những triết lý giáo dục và các phương pháp giáo dục cho chính mình thì việc tham khảo của quốc tế và các nước trong khu vực là việc cần làm.
Không phải chỉ bây giờ chúng ta mới hội nhập quốc tế về giáo dục. Khoảng 15 năm trở lại đây, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập văn hóa và giáo dục quốc tế được chúng ta nói đến như một sự soi chiếu mình đối với các hệ tiêu chuẩn bên ngoài.
Nền giáo dục nói chung và lĩnh vực giáo dục nhân tài nói riêng của chúng ta cần thời gian khá lâu nữa mới có thể hội nhập một cách sâu rộng với quốc tế. Nhưng không thể chờ đợi cả đoàn người cùng đi đến một điểm đích mà sẽ có những cá nhân nổi trội đi trước.
Tôi nghĩ hiện nay, chúng ta có rất nhiều bạn trẻ có tài. Họ tham gia vào quá trình kinh doanh, buôn bán xuyên quốc gia, nghiên cứu và làm việc với quốc tế khá đông đảo và sôi động.
Chúng ta không đến nỗi thiếu những bạn trẻ thực tài trong hội nhập với quốc tế, có chăng là chúng ta chưa "phổ" nó ra, chưa có những liên minh cho người trẻ, chưa có nhiều sự hướng dẫn cho họ đoàn kết lại với nhau mà thôi. Vấn đề này đặt ra bài toán là người trẻ có tài phải tự bươn trải nếu như họ muốn chủ động hội nhập quốc tế.
Thêm vào đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và mời gọi những người có kinh nghiệm để chỉ dẫn người trẻ có thể tham gia đông đảo hơn nữa vào “sân chơi” quốc tế.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Tháng 3/2022, sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã phối hợp với Cambridge Partnership for Education và Ban thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị bàn giải pháp "Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục". Sự kiện có sự tham dự của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong giai đoạn phục hồi, thích ứng với đại dịch Covid-19, chúng ta không chỉ chú trọng tới yếu tố “phục hồi” mà còn cần đúc kết những kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng phó với các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, các nước ASEAN đã và đang nỗ lực để xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng chống chịu và có năng lực phục hồi tốt hơn, đó là củng cố hệ thống trường học; chuẩn bị các mô hình giáo dục học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến; điều chỉnh chương trình để trang bị toàn diện cho người học cả về kiến thức lẫn những năng lực cần thiết để thích ứng trong bối cảnh mới; nâng cao năng lực tự học, tự phát triển của người học… |
| MC Trịnh Lê Anh: Tạm biệt ông Abe Shinzo, đại sứ của tuổi trẻ, của tình hữu nghị thanh niên ASEAN-Nhật Bản MC Trịnh Lê Anh chia sẻ, nhờ cố Thủ tướng Abe Shinzo, đã có nhiều lứa thanh niên ASEAN như anh được đi xa để ... |
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: 'Nghệ sĩ, người nổi tiếng nhất thiết phải giữ gìn hình ảnh của mình' Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nghệ ... |