📞

Tiếng Anh – động lực mới của người Nhật

06:00 | 28/04/2016
Hiroshi Mikitani, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Rakuten kể câu chuyện về cuộc chiến đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của công ty.
Hình ảnh trang web của Rakuten. (Nguồn: Finacial Express)

Ngôn ngữ của thị trường

5 năm trước, tôi đứng trước hàng ngàn người Nhật và nói chuyện với họ bằng tiếng Anh. Thời điểm đó, tôi nói, Rakuten – trang thương mại điện tử lớn nhất của Nhật Bản, trong đó tôi là Giám đốc điều hành - sẽ tiến hành tất cả các hoạt động kinh doanh, từ các cuộc họp chính thức đến các email nội bộ, bằng tiếng Anh. Tôi vẫn còn nhớ những biểu hiện sốc trên khuôn mặt những người đang lắng nghe.

Phản ứng của họ chắc chắn có thể hiểu được. Chưa có công ty lớn nào của Nhật Bản từng thay đổi ngôn ngữ chính thức từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Nhưng có thực tế phải thừa nhận là việc sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa quan trọng đối với các chiến lược cạnh tranh dài hạn của doanh nghiệp Nhật.

Tất nhiên, quyết định của tôi phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích. Một trong những đồng nghiệp, cùng là CEO, người Nhật Bản, nói với báo chí rằng kế hoạch của tôi là "ngu ngốc". Điều này thật đáng để quan tâm khi điều đó được phát biểu ở một đất nước mà các nhà quản trị kinh doanh thường không chỉ trích nhau trên báo chí. Rõ ràng, tôi sẽ phải chiến đấu trong một trận chiến khó khăn để tìm được sự đồng thuận.

Nhưng tôi đã không nản chí. Một sự thay đổi ở mức độ “địa chấn” đòi hỏi chúng ta cũng phải thích ứng. Và một sự thay đổi kinh tế mạnh mẽ là chính xác những gì Nhật Bản đã trải qua trong những thập kỷ gần đây, được định hướng bởi toàn cầu hóa và số hóa. Cách duy nhất để cạnh tranh trong thời đại internet này là phải nói ngôn ngữ của thị trường, đó là tiếng Anh. Mặc dù số lượng người nói tiếng Anh ít hơn so với số lượng người nói tiếng Trung nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ của kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn tiếp tục ở ngoài cuộc đua dùng tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh - nhất là trong bối cảnh nhiều công ty Nhật Bản đang hướng tới thị trường trong nước và ít chú ý đến các xu hướng toàn cầu. Nhưng cách tiếp cận này ngày càng khó biện minh. Chuyển sang dùng tiếng Anh sẽ giúp công ty Nhật Bản có tính cạnh tranh cao hơn, khiến người lao động tự tin hơn với thế giới.

Có một lợi ích khác để sử dụng tiếng Anh trong kinh doanh: Ngôn ngữ này có ít dấu hiệu phân chia quyền lực, vai vế. Do đó việc sử dụng tiếng Anh có thể giúp phá vỡ các rào cản thứ bậc quan liêu cố thủ trong xã hội Nhật Bản. Do đó, tiếng Anh sẽ làm tăng hiệu quả giao tiếp.

Vượt khó và phần thưởng

Tất nhiên, việc sử dụng tiếng Anh trong các công ty không dễ dàng, đòi hỏi phải cải tổ nội bộ sâu sắc. Tuy nhiên, những nhân viên nói được tiếng Anh cũng bất ngờ có được một địa vị cao hơn và không cảm thấy bất an về sự nghiệp. Điều này không chỉ đúng đối với Nhật Bản.

Một nghiên cứu công bố trên tờ báo về quản trị quốc tế có tên là Management International Review gần đây cho rằng việc hãng hành không Air France của Pháp tiếp quản hãng KLM của Hà Lan vào năm 2004 khiến những người thành thạo tiếng Anh trở nên tự tin trong khi một số người luôn trong tình trạng lo sợ.

Ông Mikitani. (Nguồn: Fortune)

Đối với Nhật Bản, tỷ lệ người thành thạo tiếng Anh ở mức thấp trở thành một thách thức. Ở châu Á, nước này đứng thứ 13 về mức độ sử dụng lưu loát tiếng Anh, sau cả Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong trường hợp của Rakuten, sự điều chỉnh cũng đòi hỏi nhiều thời gian. Lúc đầu, các cuộc họp thường xuyên làm cho nhiều người cảm thấy khó xử. Các cuộc họp hội đồng quản trị đầu tiên sau quyết định Englishization (chuyển đổi từ sử dụng ngôn ngữ khác sang sử dụng tiếng Anh) mất 4 giờ mới kết thúc - gấp đôi thời gian bình thường. Nhưng bất cứ khi nào các giám đốc bộ phận hỏi liệu họ có thể nói bằng tiếng Nhật không, tôi nói với họ rằng: "Không!". Tôi biết rằng, thách thức sẽ qua đi.

Ngày nay, hơn 90% nhân viên của chúng tôi đã đạt được yêu cầu về chuẩn tiếng Anh. Điều này giúp cho hoạt động của công ty hiệu quả hơn bao giờ hết. Một nhân viên ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể nhấc điện thoại và nhận được một câu trả lời ngay lập tức, thay vì làm việc thông qua một người phiên dịch.

Những tác động cũng có thể được cảm nhận trên góc độ cá nhân. Một nhà quản lý, người ban đầu sợ rằng ông sẽ phải rời khỏi công ty, thay đổi thế giới quan sau khi tham dự một khóa học tiếng Anh chuyên sâu ở Philippines, nơi ông gặp các sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang miệt mài học Anh ngữ. Tiếng Anh của ông này được cải thiện nhanh chóng và do đó, ông vẫn giữ được vị trí làm việc trong công ty. Quan trọng hơn, ông đã có thể tự tin trở thành một công dân toàn cầu.

Một phần nhờ chiến lược Englishization, Rakuten đã có thể mở rộng bên ngoài Nhật Bản, mua lại các trang web thương mại điện tử như Ebates của Mỹ và PriceMinister của Pháp. Gần đây, chúng tôi mua lại ứng dụng nhắn tin Viber và mua một lượng cổ phần ứng dụng Lyft ( tương tự Uber) và trang web ảnh trực tuyến Pinterest. Thực tế là tất cả nhân viên trong công ty có thể làm chủ được tiếng Anh và không sợ bị tụt hậu so với các đối tác nước ngoài.

Ở Nhật Bản, Englishization đã giúp chúng tôi thuê thêm nhân viên không phải người Nhật, trong đó có 80% các kỹ sư mới của chúng tôi kể từ năm 2011 là người nước ngoài. Một làn gió mới lan tỏa vào văn phòng của chúng tôi. Các nhân viên thậm chí còn chọn các trang phục khác với các trang phục văn phòng phổ biến và có vẻ đơn điệu ở các công sở Nhật Bản. Cách tiếp cận đa dạng và hiện đại này đang vực dậy một nền văn hóa kinh doanh đang có phần xuống dốc của xứ sở anh đào.

Dân số Nhật đang già đi. Nền kinh tế đang chậm lại. Chúng tôi có đủ đủ lập trình viên và những người viết mã hóa. Cách duy nhất để bắt kịp và phục hồi tăng trưởng, lấy lại sự năng động là bằng cách tìm kiếm các tài năng bên ngoài biên giới. Bởi thế, chúng ta phải nói được tiếng Anh.

(theo Project-Syndicate)